TIN MỚI

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

LŨ TRẺ MÊ CUỒNG


Chúng sung sướng, rảnh rỗi thân xác quá, chưa bao giờ khóc thương cha mẹ nhưng sẵn nước mắt gào rú đau khổ vì không gặp sao Hàn.
Thật kì quái! Vậy cái thế giới thực mà chúng sống chung là gì?
Chúng có 18 năm trong đời để được gọi là “trẻ con”. Với thời bi giờ thì hết khoảng 12 năm trong số đó chúng chơi với internet. Nhưng đó là “thế giới ngầm” của chúng.
Thế giới Internet khổng lồ, ghê gớm và đầy quyền lực. Chúng có thể học làm bánh, trang điểm, làm đồ chơi thủ công siêu đẹp ...Chúng có thể ngồi ôm đàn hát, post youtube và… trở thành ngôi sao qua mạng... Chúng có thể biết về một thế giới người lớn khắp nơi. Đó là 1 thế giới không có giới hạn – trừ khi bạn ngắt mạng và nhốt chúng vào 4 bức tường.
Rõ là ảo nhưng lại là thực!
Vì ở trường, đám trẻ học cách tả con gà, tả cô giáo, học cách nói về 1 hành động tốt giúp bạn, học cách tả ngôi trường của nó. Lớn hơn một chút, chúng học Rừng Xà Nu, học Mảnh Trăng Cuối Rừng, học Đôi mắt “nhận đường” của Nam Cao...
Nhưng thế giới ảo của những tâm hồn bé nhỏ đã phình ra đến vô cùng. 12 tuổi, chúng cầm điện thoại di động đi làm phim ngắn. 16 tuổi, chúng chơi trong những nhóm nhảy và vẽ tranh đường phố quen biết qua mạng. 18 tuổi, bước chân vào đại học, chúng nộp dự thi một bộ phim hoạt hình ghép từ những bức ảnh chụp liên tiếp. Trong khi đó, ở trường, cô giáo vẫn mải mê giảng về cơ chế hoạt động của chiếc lò gạch và các phép cộng hóa học chúng chưa bao giờ thấy trong đời.
Cũng trong hai thế giới “lệch pha” đó, ông bố, bà mẹ, nhà tâm lí học, nhà báo vẫn đang bận lùm xùm trách móc, tranh luận trên mạng là có nên dạy giáo dục giới tính từ lớp 2 không? Có nên “vẽ đường cho hươu chạy” từ lớp 5 không? Có cần thầy cô tâm lí ở trường không?
Trong khi đó, 11 tuổi, có lẽ những cậu trai đã bắt đầu xem những đoạn phim “người lớn” trên trang lauxanh hoặc tha hồ thấy các hot girl, ca sĩ đua nhau lộ hàng, cởi quần, cởi áo trên mạng. Những cô bé gái chưa được mẹ dạy cách sử dụng băng vệ sinh đã kịp thấy việc cởi áo sơ mi để lộ áo ngực màu hồng hờ hững và chụp hình trên mạng thì sẽ được các bạn xem là hot girl xinh đẹp.
Người lớn thì tự hào là họ đang nuôi nấng thế giới của những đứa trẻ chưa biết làm và vẫn còn há họng ăn nhờ cha mẹ.
Họ phẫn nộ gào lên “Chúng mày chưa khóc cha khóc mẹ nhưng đã đổ xô đi khóc thần tượng”. Họ la mắng lũ trẻ là sống vô nghĩa, không lí tưởng, không khao khát hành động, không yêu cuộc sống, phù phiếm, giả tạo, mê muội những ca sĩ, sao Hàn từ xa xôi ở đẩu ở đâu đến.
Họ gọi tên chúng là mù quáng!
Chỉ có điều, vào ngày chúng xin tiền đi nghe thần tượng hát, họ dễ dàng ném ra cho chúng chơi. Bởi cho con chơi một chút có sao?
Họ vô tâm trước thế giới tâm hồn bí ẩn và cô đơn của chúng. Họ ngụp lặn bên tiền, cốc bia, quần áo, đồ hiệu. Có tiền vác về sắm sửa lên người đám con – âu cũng đã là khó nhọc lắm rồi. Thậm chí, có gia đình còn hoảng loạn không hiểu vì sao con mình tự tử, chỉ giải thích một câu duy nhất là “cháu ở nhà ngoan thế kia mà!” cho sự tiếc thương muộn mằn.
Đi học, thầy cô chẳng dạy gì cho đám trẻ về sự tự tin của 1 con người, giá trị vô tiền khoáng hậu của chúng, sự kì diệu của thân thể và trái tim chúng. Họ quay lưng và từ chối cách đứa trẻ miêu tả niềm hân hoan của chúng trước một điệu nhảy hip hop, trước những bức tranh tường của kẻ giang hồ ngoài phố. Những đứa trẻ chưa bao giờ dám nói rằng chúng thích được xem ngôi sao Hàn Quốc hát hơn là đứng đồng ca. Thầy cô từ chối những đứa trẻ tỏ ra dốt nát hơn bạn bè chúng. Vì có nguy cơ biến thành nhân tố khiến họ không thể trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố.
Không ai cho chúng bày tỏ cảm xúc tự nhiên của ngày lớn lên, ngoài chính những đứa trẻ giống chúng….
Khi chúng ta từ chối giọt nước mắt của những đứa trẻ, thì đừng trách chúng sao sống không có lí tưởng!

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng