Khi trẻ lên 5 tuổi
là giai đoạn trẻ phát triển nhanh và đạt được nhiều khả năng nhất,
từ khả năng vận động thô, vận động tinh cho đến khả năng về ngôn ngữ,
về tư duy logic…
Các bậc phụ huynh
cần tạo cơ hội và điều kiện giúp trẻ có thể thu nạp được những
khả năng cơ bản nhất về vận động và tư duy. Nhưng không vì thế mà
đặt ra nhiều kỳ vọng để buộc trẻ phải có những nỗ lực “Vượt lên
chính mình” qua việc học vi tính, học trước chương trình, học các môn
năng khiếu…
Nên nhớ, đây chỉ là
giai đoạn tạo “Nền móng” cho trẻ có được một sức khỏe ổn định, đủ
sức để bước vào một hành trình dài suốt từ năm lớp 1 cho đến năm
lớp 12. Vì vậy, việc dạy trước những kiến thức cùng những điều mà
trẻ còn rất nhiều thời gian để thu hoạch, cũng như việc xây dựng một
chương trình học tập nặng nề về những kiến thức đủ loại ở cấp 1
là điều hết sức sai lầm.
1. Khả năng vận động Thô – vận động Tinh
Khả năng vận động của
một đứa trẻ được đánh giá qua các hoạt động chạy, nhảy, leo trèo,
cầm nắm, ném chụp… được gọi là vận động thô (hầu như trẻ nào cũng
đạt được ở một mức độ nào đó mà không cần có sự tập luyện).
Với trẻ 5
tuổi thì các em có thể đạt được các hoạt động tinh tế hơn như cầm
muỗng đũa, cài và cởi cúc áo, dùng kéo cắt giấy, viết, cột dây
giày, cầm bút tô màu, cầm cọ vẽ hình… được gọi là vận động tinh.
Vận động tinh cần phải được tập luyện trong một thời gian. Nhưng mức
độ có khác nhau, có những trẻ khéo léo bên cạnh những trẻ vụng về.
Có những trẻ phải tập luyện rất lâu mới có thể đạt được những kỹ
năng cơ bản nhưng cũng có những trẻ chỉ cần tập qua loa cũng có thể
đạt được mức độ khéo léo.
Việc tập luyện nằm
trong chương trình Giáo dục mẫu giáo từ 4-5 tuổi. Nhưng nếu bố mẹ
muốn con đạt được những kết quả tốt hơn trong quá trình học tập,
thì nên chú ý tập cho trẻ biết cách cầm viết cho đúng, biết sử
dụng dao, kéo, muỗng, đũa một cách thuần thục thông qua các trò chơi
cũng như các hoạt động phụ giúp bố mẹ trong các chuyện lặt vặt tại
gia đình. Đừng lo lắng vì trẻ còn nhỏ mà không cho tham gia vào các
hoạt động trong nhà, mặc định đó là việc của người lớn hay người
giúp việc. Tránh tập trung hết thì giờ của trẻ cho đi học các môn
năng khiếu hay tập rèn chữ… điều đó không chỉ làm cho trẻ trở nên
mệt mỏi vì việc học, mà còn trở nên lười biếng, kém linh hoạt và
thiếu tự tin. Nguyên nhân sẽ gây ra những cản trở lớn cho chính việc
học của trẻ.
Chúng ta nên biết
rằng những hoạt động vui chơi có hoạt động với công cụ và các công
việc phụ giúp một số việc lặt vặt trong gia đình của trẻ không phải
là thừa, mà đó là những hoạt động hết sức cần thiết, vừa giúp
trẻ phát triển về kỹ năng, vừa giúp trẻ định hình nhân cách tốt
đẹp hơn.
Trẻ 5 tuổi hầu hết
đều thành thạo các vận động thô và cũng thích được “khai thác” và
“nâng cao” kỹ năng này trong các trò chơi. Nên dựa vào xu thế này
để rèn tập cho trẻ những kỹ năng khéo léo ngày một tốt hơn thông qua
các trò chơi vận động. Điều này vừa đem lại sức khỏe cho trẻ, vừa
đem đến sự tự tin là yếu tố cần thiết cho một sự khởi đầu thành
công trên con đường học vấn.
Với khả năng vận
động tinh, chúng ta cần tập cho trẻ biết cách dùng đũa để tự mình
gắp thức ăn và ăn cơm, điều này cũng bắt đầu từ các trò chơi. Tập
cho trẻ khả năng tự mình cởi áo, cài cúc, kéo dây kéo, cột dây
giày, thắt nút dây… Bên cạnh đó, nên khuyến khích trẻ vẽ bằng
cọ, sử dụng màu nước để tô màu, tập gấp giấy các mô hình, nặn đất
sét và lắp ráp các đồ chơi đơn giản làm từ các vật liệu có sẵn
chung quanh như hộp giấy, bìa cứng, ly hay chai nhựa. Việc tập luyện
các kỹ năng khéo tay vừa giúp trẻ có thêm những thú vui, vừa làm gia
tăng sự tự tin cho trẻ khi bước vào lớp 1, để dần dần đạt đến những
kết quả tốt đẹp trong việc tập viết chữ, cắt kéo dán thủ công… Đây
cũng là một yếu tố để kích thích sự ham thích học tập nơi trẻ.
Đánh giá khả năng vận động của trẻ qua
các câu hỏi sau
1. Trẻ có khả năng thực hiện các động tác cơ bản như chạy, nhảy, trèo lên cầu thang tốt không?
2. Trẻ biết cách tránh né các vật ném vào mình, biết chạy đuổi theo không?
3. Trong trò chơi vận động, trẻ biết phát triển một số kỹ năng vận động mới không?
4. Có thể dùng hai tay đón bóng tương đối chính xác không?
5. Có thích những trò chơi chạy nhảy và có thể nhảy qua độ cao 60cm không?
6. Có thể phối hợp một số các bộ phận khi vận động như vừa chạy vừa đá bóng hay nhảy dây không?
7. Có thể dùng bút vẽ, tô màu, xé dán, biết dùng kéo cắt một số hình đơn giản không?
8. Có thể dùng các ngón tay để nặn các đồ vật nhỏ không?
9. Có khả năng chơi những trò chơi vận động liên tục trong vòng 30 phút không?
10. Có khả năng tập bơi, học múa, đạp xe đạp, chơi đá bóng, học một số môn võ thuậtkhông?
Đây là các mức độ
mà ta có thể tập luyện cho trẻ và trẻ cũng có khả năng đạt được.
Nhưng cũng có một số trẻ tuy khả năng vận động kém (các trẻ hướng
nội và các bé gái) nhưng khả năng vận động tinh (sử dụng 2 bàn tay)
hoặc các khả năng khác (tư duy, hình dung…) tốt thì cũng không phải lo
lắng nhiều. Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn trong việc tập luyện
các khả năng vận động cũng như khả năng tư duy kém, không thích quan
hệ với người khác (trẻ thu mình lại) thì cần phải có sự quan tâm
và thăm khám của các chuyên viên tâm lý để có biện pháp tác động
kịp thời.
2. Khả năng Phân tích – Tổng hợp
Phân tích tổng hợp
là bước đầu cho sự phát triển tư duy logic ở trẻ 5 tuổi, mà trước
đó là những tư duy tiền logic ở trẻ dưới 5 tuổi. Trước đây ở lứa
tuổi nhỏ hơn, với tư duy trực quan thì trẻ chỉ có những hình ảnh
trong tâm trí khi thấy được những hình ảnh cụ thể trước mắt, chưa có
được sự liên tưởng giữa các hình ảnh mà trẻ đã nhìn thấy trước đó
(được lưu giữ trong ký ức) để tạo nên một chuỗi các hoạt động xảy
ra theo trình tự thời gian. Cái nhìn của trẻ là một cái nhìn tổng
thể, chưa có khả năng phân tích. Ví dụ như trẻ phân biệt hay nhận ra
chiếc xe gắn máy của bố, nhưng không phân tích được nó khác với
những chiếc xe khác ở điểm nào.
Dần dần, cùng với
sự quan sát và hướng dẫn, tham gia chơi các trò chơi… Trẻ bắt đầu
nhận ra những đặc điểm của các đồ vật, con vật và các loại thực
vật có điểm nào giống nhau, điểm nào khác nhau… để có thể xếp cùng
nhóm với những đặc tính chung. Trẻ bắt đầu có được khả năng sắp
xếp các hoạt động trước, sau và đi đến khả năng có thể hình dung
được điều gì sẽ xảy ra sau đó.
Trên cơ sở đó trẻ
sẽ từng bước hình thành tư duy logic, đây là một yếu tố quan trọng
để trẻ học môn toán trong suốt cấp Tiểu học, vì các kết quả của
toán học là hệ quả của các yếu tố có trước. Vì vậy, ngoài những
gì trẻ học được ở trường mẫu giáo, trong các hoạt động tại gia
đình, các phụ huynh nên tìm cách giúp cho trẻ có điều kiện quan sát,
suy luận với những gợi ý trong các hoạt động tại gia đình bằng việc
cho trẻ chơi hay xem các trò chơi phân loại, xếp nhóm, tìm điểm khác
nhau, giống nhau và đưa ra các câu hỏi như:
Sau điều này sẽ là
cái gì? Điều gì sẽ xảy ra? Hay cụ thể hơn như nhà mình có 4 người
gồm Bố, Mẹ con và em vậy sẽ cắt cái bánh làm bao nhiêu phần để cho
mỗi người?
Phụ huynh cần giúp
cho trẻ nhận ra mặt số và số lượng (1=một con gà, 1 trái banh; 2 =
hai quả cam…) tập đếm dưới nhiều hình thức khác nhau như đế bằng
ngón tay, đếm bằng que, bằng các hình cụ thể… Khi trẻ đã có những
kiến thức cơ bản về số, bố mẹ có thể dạy trẻ những phép tính đơn
giản, từ đó giúp cho việc nâng cao khả năng tư duy trừu tượng (phía
bán cầu não trái) đây là bán cầu điều khiển các kỹ năng sử dụng
ngôn ngữ, tính toán, suy luận… sẽ giúp trẻ phát triển tốt tư duy
logic.
Đánh giá mức độ phát triển tư duy logic
qua các câu hỏi sau
1.
Trẻ đã biết phân
biệt về mức độ (To, nhỏ), về vị trí (Trên,
dưới; Trước, sau; Trong, ngoài) của các vật chung quanh chưa?
2.
Trẻ có khái niệm
và phân biệt được bên phải, bên trái; phía trước, phía sau với vị
trí của chính mình chưa?
3.
Trẻ có thể chơi
các trò chơi xếp hình để tạo ra một mô hình như xếp thành một căn
nhà, một cây cầu, một căn phòng… chưa?
4.
Trẻ có biết chỉ ra
các vật có cùng một nhóm (Các đồ dùng làm bếp, các đồ dùng trong
phòng tắm, các vật dụng làm bằng gỗ hay kim loại, nhựa…) chưa?
5.
Trẻ có thể phân
loại các bức tranh theo kích cỡ, màu sắc căn cứ trên những gì thể
hiện chưa?
6.
Trẻ có thể đoán ra
được kết cục của một câu chuyện đơn giản không?
7.
Trẻ có thể nhớ và
thực hiện cùng một lúc theo trình tự trước sau 3 yêu cầu liên tiếp.
Ví dụ như con cởi áo khoác ra, rồi vào bếp rửa tay xong mang cho mẹ
cái ly.
8.
Trẻ có thể nhìn
các bức ảnh diễn tả các thời điểm khác nhau và sắp xếp chúng theo
đúng trình tự thời gian không?
Trong trường hợp
trẻ làm kém hay chưa biết thực hiện các yêu cầu này thì đây chính
là một trong những mục tiêu cần đặt ra trong việc chuẩn bị về năng
lực và nhận thức cho các bé khi bước vào lớp Một.
3. Khả năng phát triển về nghe và nhìn
Trong giai đoạn này,
trẻ phát triển trí tưởng tượng khá tốt và bắt đầu biết phân biệt
được điều tốt, xấu. Dù quan điểm về tốt xấu hay thiện ác của trẻ
còn đơn giản. Đối với trẻ thì cái gì sáng, đẹp, dễ thương, nhỏ
nhắn là tốt, còn cái gì tối, xấu, to lớn, dị hợm là xấu. Từ đó,
trẻ thích nghe những câu chuyện cổ tích có nội dung Thiện – Ác được
phân biệt rõ ràng, kết thúc có hậu là kẻ ác bị trừng trị còn người
tốt thì được hưởng phúc và sợ hãi trước bóng tối, trước cái gì to
lớn, gớm ghiếc!
Có suy nghĩ cho
rằng, trong một số truyện cổ tích như chuyện Tấm Cám, truyện Alibaba
và 40 tên cướp có nội dung bạo lực khi mà cả những nhân vật chính
diện cũng có những hành động có vẻ tàn ác, điều này có thể gây ra
những ảnh hưởng xấu lên đứa trẻ. Thực ra, truyện cổ tích phân biệt
Thiện – Ác rất rõ ràng, kết thúc luôn có hậu và những gì mà kẻ ác
trong các câu chuyện nhận lãnh chỉ là những hậu quả do sự ác độc
của chúng mà thôi. Điều đó khác hẳn với phần lớn các truyện tranh
dành cho thiếu nhi ngày nay, khi mà sự phân biệt giữa Thiện ác rất mơ
hồ, và những tội ác trong các câu chuyện chỉ là do lòng đố kỵ, ganh
ghét thậm chí được xem là một thú vui, hay có khi không vì một lý do
gì cả… Chính điều này sẽ khiến cho trẻ bị lẫn lộn, không cho kẻ ác
là xấu nữa và từ đó có thể đưa đến những việc bắt chước tai hại
sau này.
Cũng thông qua các
loại truyện cổ tích hay chuyện trẻ em mà trẻ được nghe kể lại hay
xem trên Tivi mà khả năng nghe, nhìn và nói của trẻ được phát triển
khá nhanh. Lưu ý việc xem Tivi chỉ nên diễn ra vào buổi tối, khi trẻ
đã ăn xong và không kéo dài quá 2 giờ đối với trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ
nghe người lớn nói, trẻ nhìn thấy những việc người lớn làm để ghi
nhớ và từ đó đưa ra những nhận định, những lời nói mà mới nghe qua,
tưởng như là ngô nghê, hay ngây thơ. Nhưng nếu xét kỹ lại thì có khi
chúng ta phải giật mình vì những ý nghĩ của các lời lẽ tưởng như
đơn giản của trẻ. Vì thế, khi trò chuyện với trẻ, thậm chí là khi
bố mẹ trao đổi với nhau mà có sự hiện diện của trẻ, chúng ta phải
hết sức cẩn thận, ăn nói một cách thận trọng trước mặt trẻ để
tránh cho trẻ “Tiêm nhiễm” những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.
Chúng ta có thể
giúp trẻ phát triển các khả năng về nghe nhìn và diễn đạt thông qua
các hoạt động trò chơi. Thông thường thì trong lớp mẫu giáo, các
giáo viên cũng có những hoạt động giúp trẻ phát triển các khả năng
này. Nhưng chính những hoạt động tại gia đình mới là những hoạt
động có khả năng bồi dưỡng và kích thích tốt nhất cho trẻ trong
việc phát triển các khả năng này.
Trong các sinh hoạt
tại gia đình, chúng ta khuyến khích trẻ chịu khó lắng nghe những âm
thanh bên ngoài, phân biệt giọng nói của những người thân, Biết chú ý
đến những tiếng nước chảy trong phòng tắm, tiếng xe gắn máy của cha
mẹ đi làm về…
Đánh giá khả năng phát triển Nghe nhìn
bằng các câu hỏi sau
1.
Trẻ có phát hiện
ra sự thay đổi các xếp đặt các vật dụng trong nhà (sau khi kê dọn
lại) hay các món đồ chơi trên kệ đồ chơi của trẻ (thêm vào và bớt đi
vài món)
2.
Trẻ có nhận ra sự
khác biệt giữa các bức tranh cùng chủ đề nhưng có sự thay đổi về
nội dung (Tranh vẽ một cái cây vào mùa Xuân, mùa Hè, mùa Thu và mùa
Đông với đặc điểm khác nhau) hay tìm ra được ít nhất là 3 điểm khác
nhau giữa hai bức tranh trông có vẻ như giống hệt nhau?
3.
Trẻ có thể phân
biệt được 2 loại âm thanh khác nhau (gõ muỗng lên cái ly gỗ và gõ lên
cái ly bằng kim loại)
4.
Trẻ có khả năng
tập trung để nghe được những tiếng kêu, tiếng động nhỏ (tiếng thì
thầm)
5.
Trẻ có thể tìm ra
5 điểm khác nhau giữa hai bức tranh giống nhau (từ 3 -5 phút)
6.
Trẻ có thể phân
biệt được các sắc độ trong một bức hình. Phân biệt giữa màu hồng
và màu đỏ, màu vàng và màu vàng chanh…
7.
Trẻ có thể nghe kể
một câu chuyện ngắn và nhắc lại nội dung theo đúng trình tự những
gì mình nghe được?
8.
Trẻ có thể nghe bố
mẹ kể chuyện hay đọc truyện cho nghe một cách thích thú?
Trẻ cần phải đạt
được 3/5 các khả năng nêu trên. Có thể có những khác biệt khác nhau
về sự phát triển khả năng nghe nhìn, khả năng ghi nhớ và khả năng
vận động, có những em giỏi về mặt này nhưng kém về mặt khác, đó
cũng là điều bình thường. Nhưng hãy lưu ý nếu trẻ thật giỏi ở một
mặt nhưng lại rất kém hay không biết gì ở những mặt khác hay mặt
nào cũng kém. Điều này có thể xem là một tình trạng không bình
thường vì đó có thể là một biểu hiện của tình trạng Tự kỷ hay
chậm phát triển trí tuệ. Chúng ta cần phải có những kiểm tra và
chuẩn đoán thích hợp để phát hiện sớm các vấn đề của trẻ.
Xem thêm:
- CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ KHI CON ĐI MẪU GIÁO
Xem thêm:
- CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ KHI CON ĐI MẪU GIÁO
Đăng nhận xét