Ta thấy ở trẻ em khoảng một
tuổi có hai biểu hiện xuất hiện song song và rõ nét ấy là sự đòi hỏi (muốn hết
cái này đến cái khác) và sự xấu hổ (bị mẹ hay anh chị lêu lêu). Như là một sự
sắp đặt của tạo hóa trong tâm lý chúng ta cái sau kìm hãm cái trước. Sự đòi hỏi
tạo nên tính tham lam sau này, còn sự xấu hổ là cội nguồn của trách nhiệm cá
nhân.
Nói về trách nhiệm cá nhân ta thường nghĩ nó là một cái, một thứ nằm trong lĩnh vực
lý trí, nhưng thực ra nó là một tình cảm và khi bị đụng đến nó sẽ gây đau đớn
trong lòng chúng ta. Nó là một sự tổn thương tình cảm và do đó là một sự trả
giá trong cuộc đời mà ta phải chịu đựng để được thăng bằng về tâm lý.
Thường khi phải nêu ra trách nhiệm cá nhân của một ai thì
chúng ta thường ngại ngùng vì sợ làm mất lòng họ. Sự ngại ngần đó gây ra một hệ
quả là khi không chỉ ra lỗi của người khác thì ta cũng ít nhận lỗi của mình để
mà nói đến trách nhiệm cá nhân.
Tình cảm ấy lại được thúc đẩy bởi hoàn cảnh kinh tế. Đã có một
thời gian dài chúng ta sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất, ở đó tài sản
chung và riêng lẫn lộn. Trong cảnh thiếu thốn người ta không ngần ngại chia sẻ cái mình
có, do vậy ít có ai tranh giành cái này là của tôi, cái kia là của anh để có
một sự rạch ròi về mình và người trong ý nghĩ.
Hai yếu tố tâm lý và vật chất kia kết lại với nhau khiến cho cái
tôi trong nhiều người không có dịp tỏa sáng để họ nghĩ đến hay chấp nhận trách
nhiệm cá nhân, chưa kể đến chuyện chấp nhận như thế là một sự trả giá và thương tổn. Chúng ta thấy ở ngoài đường, người đi xe ngang nhiên vi phạm đèn
xanh, đèn đỏ mà không ai nói gì (trừ cảnh sát giao thông vì nhiệm vụ) ấy là vì
chúng ta mặc nhiên không đòi hỏi ở nhau một trách nhiệm gì.
Khi kinh tế khá lên, cơ hội mở ra trong hơn 10 năm nay, vẫn không ai nói
ai, không đặt ra trách nhiệm gì cho nhau. Thời gian này, tính tham lam
được xổ lồng. Tuy nhiên, bởi kết cấu tâm lý của con người là sự tham lam phải
đi kèm với sự xấu hổ, nên khi được tham lam tùy thích thì sự xấu hổ cũng xuất
hiện trong lòng, nhất là lúc ngồi một mình.
Xã hội của chúng ta được xây dựng lên đơn vị nền tảng là tập thể
và tập thể được giao sứ mạng chăm sóc đoàn viên. Tổ chức ấy tốt trong những hoàn cảnh nào đó nhưng nhất định không phải là trong mọi hoàn cảnh.
Nó tốt khi tập thể có những mục tiêu cụ thể và chung nhất. Chẳng hạn, bảo vệ tổ
quốc, chiến đấu dành độc lập và khi kẻ thù ở ngay trước mặt.
Tuy nhiên, khi mục tiêu không cụ thể hoặc ai cũng có thể tự mình
đạt được mục tiêu cho riêng mình, như khi kinh doanh kiếm lời, hay lúc sử dụng
quyền hành để kiếm lợi thì cơ chế tập thể lại trở thành nội dung dưỡng những
hành vi bất công, sự hưởng lợi không bị trả giá và trách nhiệm cá nhân có thể
“lẩn như chạch”.
Giả sử bạn chơi chung trong một nhóm. Nếu phát hiện thấy cái bút
của mình bị mất mà bạn hỏi “Có ai thấy cái bút của tôi không?”, thì thường là
chẳng có câu trả lời nào. Người nào đã cầm được cái bút của bạn mà có lòng tham
thì họ cũng chẳng cần phải nói gì vì câu hỏi không đặt thẳng cho họ. Câu hỏi
của bạn đặt ra với tập thể có thể làm người ấy áy náy một chút nhưng cái bút
đẹp (tức là lòng tham) sẽ cuốn họ đi ngay. Còn nếu bạn đặt thẳng cho họ thì họ
sẽ bị lúng túng và bạn có quyền nghi. Trong tập thể ít có sự áy náy cá nhân để
mà nói đến trách nhiệm cá nhân. Đúng hơn, tập thể không hề mang trách nhiệm cá
nhân, giống như một pháp nhân không thể giết người.
Ngày xưa, lúc còn bé khi bị phạt tập thể bạn không cảm thấy xấu hổ
với người bên cạnh vì họ cũng bị như mình. Sự xấu hổ nếu có thì với một tập thể
là một lớp khác chứ không phải với từng cá nhân, bạn là một cá nhân nên cũng
không thấy chi. Hơn nữa nếu vì lỗi của mình mà tập thể bị phạt thì bạn vẫn lấp
liếm được rằng: “Hôm nọ nó làm mình cũng bị phạt lây vậy”. Qua tập thể người ta
có thể nấp vào đó để không còn bị trách nhiệm cá nhân dày vò. Thế nhưng khi
chối từ trách nhiệm thì họ đã tự hủy cái tôi của mình.
Cuối cùng, khi bị phạt tập thể hay bị chỉ trích sau này, người
trong nhóm dễ trở nên thương nhau hơn theo khẩu hiệu “đoàn kết và đấu tranh”.
Tâm niệm này thúc đẩy sự bảo vệ lẫn nhau trong tập thể để chống lại người
ngoài, hay áp lực bên ngoài mà lúc ấy cũng sẽ bị chụp mũ thành “phe khác”. Phe
phái nảy sinh khi người ta phải dựa vào nhau để có sức mạnh trong lòng, và khi
mình đã là một phe thì bên kia ắt phải -là phe khác, như thế mới cảm thấy an
tâm khi kết hợp. Phe phái không làm cho trách nhiệm cá nhân nảy sinh. Hơn nữa,
rất khó bắt lỗi một tập thể và tập thể cũng không cho phép làm như thế mà dù có
làm được thì trong tập thể cũng chẳng ai cảm thấy thương tổn như lúc bị trừng
phạt cá nhân.
Chưa hết! Tập thể ở ta mang vào mình sứ mạng chăm lo cho đoàn
viên. Điều đó kéo dài đã lâu và trở thành một nếp nghĩ. Ngày nay khi trong xã
hội có một ai đó làm điều gì xấu, dư luận nhất là báo chí, thường đặt câu hỏi
cơ quan, đoàn thể nào chịu trách nhiệm?
Tại sao phải nêu vấn đề cơ quan nào quản lý họ? Họ, chính họ, phải giữ mình
trước, không cần đến cơ quan nào. Rõ là một câu hỏi ngây ngô nhưng nó không làm người nêu lên thấy
như vậy nữa vì đó là câu hỏi đã trở thành truyền thống! Với những câu hỏi đại
loại như thế thì rõ ràng, chuyện dư luận, vấn đề trách nhiệm cá nhân cũng ít
được coi trọng.
Nền tảng tổ chức của xã hội ta đã một thời muốn đưa cá nhân con
người vào nề nếp muốn cho vai trò của họ nhỏ đi, bằng cách giao cho tập thể một
vị trí và một vai trò nổi trội. Vì thế tinh thần trách nhiệm cá nhân ở ta đã vô
tình bị vùi dập. Nếu chúng ta dùng cách nấu
nước cho sôi rồi tra gạo vào thì có nồi cơm. Nó khác với việc bỏ xương vào ninh
thì có bát phở.
Trải qua một thời gian dài, nếu chúng ta đã nấu phở thì bây giờ
chưa thể đòi bát cơm.
Đăng nhận xét