Có lần tình cờ nghe chị tôi cùng nhóm bạn gái trò chuyện, một câu nói đã lọt vào tai tôi và nó còn đọng lại mãi: “Là phụ nữ muốn không bị đau khổ trong hôn nhân thì phải độc lập về tinh thần.”
Lúc ấy tôi còn quá trẻ để hiểu thế nào là độc lập tinh thần. Mãi sau này, sau nhiều trải nghiệm tình yêu, làm vợ, làm mẹ, nhìn bạn bè trưởng thành quanh mình, tôi mới hiểu ra, đó chính là cốt lõi để có được bình đẳng giới. Phụ nữ thời nay nhiều khi không phụ thuộc vào người đàn ông về kinh tế, tri thức, nhưng vẫn bị phụ thuộc về tinh thần một cách rất vô hình.
Hầu hết phụ nữ mà tôi biết là những người giỏi giang, đảm đang – vừa làm kinh tế vừa vun vén gia đình rất trách nhiệm và chu đáo. Có thể sự sướng khổ khó đong đếm được vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi luôn khâm phục những phụ nữ độc lập toàn diện – người có thể đứng vững trên đôi chân của mình khi ra ngoài xã hội, vừa làm chủ gia đình nhỏ bé của mình, được chồng yêu thương và tôn trọng. “Tôn trọng” là điều cần có trong mối quan hệ vợ chồng. Đó không chỉ là một thái độ dành cho nhau, đó là quyền lợi mà bất cứ ai cũng đều xứng đáng nhận được từ người bạn đời.
Không phải mọi phụ nữ độc lập kinh tế thì sẽ có được sự bình đẳng trong gia đình
Bạn nghĩ rằng phụ nữ khi thành đạt trong xã hội sẽ có được vị trí và tiếng nói trong gia đình? Không phải tất cả đều may mắn thế.
Tôi từng có người bạn làm một chức vụ cao và là người kiếm tiền chính trong gia đình, mọi việc trong nhà hầu như chị gánh vác và luôn có thái độ nhún nhường trước anh. Chị thường nói vui, dẫu sao mình vẫn là “chiếc xương sườn của Adam”, dù ra ngoài có làm sếp hàng chục nhân viên thì về nhà vẫn đứng sau chồng, nhu mì và ngoan hiền.
Cách nghĩ của chị ai cũng nể. Có điều thứ chị nhận được không phải là thái độ tôn trọng của bạn đời. Làm chủ kinh tế, chăm sóc con cái, chiều chuộng chồng, nhưng chị vẫn thường xuyên bị anh đối xử trịch thượng, bề trên. Anh là người luôn tỏ thái độ “đàn bà thì biết gì”. Anh còn khoe với bạn bè trong cuộc nhậu: “Vợ tôi ngoan là do tôi biết dạy dỗ. Với đàn bà, đôi khi ta vẫn cần dùng kỷ luật để thiết lập lại trật tự.”
Thời gian sau này do thất bại trong kinh doanh, anh thất vọng, ăn nhậu triền miên, có loằng ngoằng với vài cô gái ở ngoài cho vui. Nhưng vì nhiều lý do, chị vẫn diễn bài ca hạnh phúc gia đình với bên ngoài, cố giấu người thân những vết thương của những trận đòn tím tái. Anh đã nắm được điểm yếu nhất của chị tình cảm. Chị rất dễ bị tổn thương khi người khác biết chị đang bị tổn thương. Chị tỏ ra hạnh phúc, trốn tránh thực tại và nghĩ rằng đó là điều giúp chị giữ được thế giới mà mình dày công tạo dựng: một mái ấm, một người cha cho các con, một hình ảnh phụ nữ thành đạt, hạnh phúc.
Tôi nghĩ rằng chị là một dạng phụ nữ độc lập về tài chính nhưng không độc lập về tinh thần. Bởi chị đã xác định mình là nhánh xương sườn nhỏ bé của người đàn ông, và đàn bà thành công nhất là giữ được cha cho những đứa con mình (cho dù người cha đó tệ bạc thế nào chăng nữa), kể cả việc ấy đồng nghĩa phải hy sinh hạnh phúc của mình. Chính điều đó chị đã đánh mất tự trọng của mình trước người chồng.
Nhưng trong số bạn bè tôi, có những người bạn dù không nắm về kinh tế, nhưng họ vẫn khẳng định được vai trò nội tướng. Hương bạn tôi là một điển hình của phụ nữ dù chỉ làm nội trợ, vẫn có tiếng nói với chồng, nhận được sự trân trọng từ người chồng. Trong một xã hội khi nhiều người đàn ông quen vai trò ra lệnh trong gia đình, có được sự bình đẳng trong rất nhiều trường hợp là một cuộc đấu tranh bằng ý chí.
Hương kể, sau khi cưới chồng, sinh liên tiếp 2 đứa con, cô phải nghỉ ở nhà luôn để chăm sóc con cái. Rồi công việc của chồng tiến triển tốt, chồng yêu cầu vợ ở nhà để chăm sóc gia đình, vì anh luôn phải đi xa. Hương bằng lòng, vì cô muốn dành thời gian cho con cái. Song điều sau đó khiến cô đau lòng đó là sớm cảm nhận được những đổi thay ở trong thái độ chồng đối với mình, dù rất tinh tế, phảng phất qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ là chút xem thường.
Hương đã có nhiều cuộc nói chuyện với chồng để chỉ ra những thái độ của anh khiến cô nghĩ mình không được trân trọng. Làm nội trợ không phải công việc đơn giản. Một ngày quay qua quay lại với cơm nước, nhà cửa, con cái, lo chuyện học hành cho con… thật sự cô không mấy khi ngơi tay. Cô muốn anh hiểu nỗi vất vả của người làm nội trợ. Hương cũng ngầm phát tín hiệu cho chồng biết mình không hề “ăn bám” và đủ nhạy cảm để nhận ra những thay đổi dù rất tinh tế nơi chồng….
Khi độc lập về tinh thần, phụ nữ sẽ có được sự tôn trọng của chồng
Cuộc hôn nhân của họ tất nhiên đi qua không ít những phút giây tròng trành, như con tàu vào vùng tâm bão, nhưng họ cùng định lại hướng và thoát hiểm đúng lúc. Trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và sự tôn trọng ở chồng là cuộc đấu tranh mềm mỏng kết hợp các biện pháp cứng rắn. Hương không ngại ngần bế con ra khỏi nhà, hoặc đi làm trở lại, dù với một mức lương còn thấp hơn ô sin, và buộc chồng chia công việc nhà với mình sau mỗi ngày cả hai từ công sở về nhà để chồng hiểu được công việc của phụ nữ làm nội trợ.
Tôi khâm phục Hương vì thái độ độc lập về mặt tinh thần và dũng cảm đấu tranh của cô ấy vì quyền được trân trọng trong gia đình. Cô ấy thực sự là một nội tướng đúng nghĩa, có tiếng nói trong gia đình, được gia đình chồng yêu mến, bạn chồng kính nể – và tất nhiên để làm được điều đó là cả một nỗ lực lớn, đầu tiên cần có bản lĩnh tinh thần.
Nhìn ra xã hội, có biết bao phụ nữ sống với chồng trong khổ đau chỉ vì không dám thay đổi, bởi họ có thể bị phụ thuộc về tài chính, hoặc phụ thuộc về tinh thần, hoặc tệ hơn là bị phụ thuộc cả hai. Nỗi sợ thay đổi đã biến họ trở thành những người cam chịu và điều đó khiến cho các hành động bạo hành tinh thần và thể xác của chồng lâu dần thành thói quen. Khi người chồng nặng lời với vợ một lần mà vợ nhịn bỏ qua, họ có thể nặng lời những lần tiếp theo – hành động bạo lực cũng tương tự như vậy.
Tôi nghĩ rằng muốn nói tới tới bình đẳng giới trong gia đình, trước hết phụ nữ cần độc lập về tinh thần.
Tôi nghĩ rằng muốn nói tới tới bình đẳng giới trong gia đình, trước hết phụ nữ cần độc lập về tinh thần.
Đăng nhận xét