Có bao nhiêu người tin
rằng trẻ sơ sinh đã có tinh thần? Tin rằng ngay từ khi sinh ra bản thân các em
đã ẩn chứa một sức mạnh tinh thần to lớn và sẽ trưởng thành theo quy luật
trưởng thành nội tại của bản thân các em? Trong một giai đoạn ở một độ tuổi
nhất định, trẻ em chỉ thích chơi nước, chơi cát, nếu như bị người lớn ngăn cản,
chúng sẽ phản đối đến cùng. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Chúng ta vốn không tin
và cũng không biết rằng, ngay từ giây phút hình thành trong bụng mẹ, bản thân
thai nhi đã tồn tại một sức mạnh tinh thần, sức mạnh ấy sẽ chỉ dẫn bé nên phát
triển như thế nào, nên sờ mó khám phá thế giới bên ngoài ra sao… Montessori gọi
đó là “Phôi thai tinh thần”. Dường như điều này đang yêu cầu chúng ta tin rằng
ẩn trong thể xác trẻ sơ sinh đã có tinh thần, tinh thần ấy phát triển theo sơ
đồ đã được vạch sẵn. Trẻ em dường như rất yếu ớt, nhưng bản thân chúng ẩn chứa
một sức mạnh và tiềm năng tinh thần vô cùng to lớn, đủ sức để phát triển mà
không cần người lớn phải thêm vào bất cứ nội dung mới nào, mà chỉ cần cung cấp
cho chúng môi trường và điều kiện phát triển.
Có kinh nghiệm mười
năm sống cùng con trẻ, chúng tôi ngày càng kiên định niềm tin này. Tiếp nhận
quan niệm này cũng có nghĩa là trong bản thân chúng ta đang xảy ra một cuộc
cách mạng tư tưởng, bởi vì chúng ta luôn tin rằng trẻ em dựa vào người lớn để
hình thành và phát triển tính cách; tiếp nhận quan niệm này cũng có nghĩa là
chúng ta không có chỗ để phát huy tính tự cao tự đại được sinh ra từ chính sự
tự ti và cảm giác bị kìm nén của mình. Thời kỳ vị thành niên của con người khá
dài, dài hơn thời kỳ tiền trưởng thành của tất cả các loài vật khác. Nói ngắn
thì có thể là từ 0 đến 6 tuổi, nói dài khoảng đến 12 tuổi. 12 tuổi vẫn chưa thể
rời khỏi mẹ, pháp luật quy định tuổi trưởng thành thực sự của một đứa trẻ là 18
tuổi. Còn trong thời kỳ này, các em vẫn đang ở trạng thái yếu ớt cần đến sự
giúp đỡ của người lớn để trưởng thành. Giúp các em trưởng thành không có nghĩa
là người lớn có quyền nhào nặn tinh thần của các em. Nếu như thế, trình độ của
cả nhân loại sẽ bị hạ thấp. Vấn đề ở đây là, chúng ta đã tự gán cho mình vai
trò “Thượng đế”, “Thượng đế” của con trẻ.
Thời kỳ này trẻ cũng
không cần sự “nhồi nhét” của người lớn, mà cần sự chuẩn bị về điều kiện để tự
tiếp thu. Tuân theo quy luật phát triển này, trẻ sẽ được phát triển hoàn thiện.
Ở nhà trẻ của
Montessori, các bé nhỏ nhất là 1,5 tuổi, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên
các bé từ 1,5 tuổi đến 6 tuổi, đưa ra những đồ dùng học tập có trình độ trí lực
vượt quá độ tuổi của các bé, nếu các cô không ép buộc, không gây áp lực, các bé
sẽ chỉ làm theo những gì mà bản thân mách bảo. Ví dụ như bé thích chơi nước và
chơi cát, nếu đưa bé ra khỏi đó, thì cho dù là những đồ chơi và trò chơi có hấp
dẫn đến mấy cũng không thu hút bé, bé chỉ muốn chơi cát với khuôn mặt vô cùng
ngây ngô, giảng giải thế nào vẫn vậy và với nét mặt ấy thì người lớn còn biết
nói gì được nữa. Trẻ em biết mình muốn gì, nếu người lớn ngăn cản, chúng sẽ
kháng cự đến cùng.
Con tôi cũng đã trải
qua một quá trình như thế. Khi cháu hơn hai tuổi, bố cháu mua hai bắp ngô, nói
với cháu: “Con một bắp, mẹ con một bắp”. Cháu đi đến rồi nói: “Bố bảo cho con
ăn cả hai bắp ngô này”. Tôi hỏi lại, chồng tôi nói: “Không phải, em một bắp,
con một bắp”. Tôi lại nói: “Bố con nói con một bắp, mẹ một bắp, chứ đâu phải
con ăn hết”. Ý của tôi là con đã nói dối, nhưng con tôi nghe xong khuôn mặt vẫn
không hề thay đổi, cu cậu vẫn đứng yên ở đó suy nghĩ một phút, rồi lại cứ thế
mà bỏ đi. “Sao lại thế nhỉ?”. Thật không hiểu nổi. Nhưng rồi có một ngày, cu
cậu bỗng có cảm giác với những việc mình đã làm sai, khuôn mặt vô cùng bối rối
và xấu hổ, không cho người khác nhắc đến. Điều này không phải do người lớn dạy
dỗ, mà là quy luật phát triển nội tại của trẻ đã đến bước này. Nếu người lớn
không để con trẻ phát triển theo đúng quy luật tự nhiên, mà ra sức áp đặt, ép
buộc chúng sẽ khiến sơ đồ phát triển của con mình bị rối loạn, đánh mất luôn cả
cơ hội thiết lập cảm giác đạo đức đích thực.
Quy luật phát triển
thời kỳ đầu của trẻ sơ sinh cũng tương tự như một số loài động vật khác. Ví dụ
như loài bướm, bướm mẹ thường hay đẻ trứng trên chồi cây, khi bướm non vừa sinh
ra phải được ăn loại lá non nhất. Vậy bướm non làm thế nào để ăn được lá non?
Bướm non nhạy cảm nhất với ánh sáng, vì thế khi vừa sinh ra nó đã bò về phía
sáng nhất, phía đó cũng chính là những lá non nhất. Nhưng đến khi bướm non dần
trưởng thành, có thể ăn được lá già hơn thì cũng là lúc nó không còn nhạy cảm
với ánh sáng. Quá trình này tuân theo quy luật phát triển nội tại của bản thân
loài bướm, không chịu khống chế bởi bất cứ lực tác động bên ngoài nào.
Chúng ta chưa từng lo
lắng rằng một đứa trẻ không thể trưởng thành, nhưng chúng ta lại không tin rằng
có những hạt giống tinh thần từng tồn tại trong nội tâm trẻ, không tin rằng bản
thân trẻ cũng có một quá trình trưởng thành tự nhiên, theo đúng trật tự, và trẻ
chỉ cần chúng ta chuẩn bị cho chúng một môi trường phát triển thích hợp. Trong
tinh thần của con trẻ, chúng ta vẫn đang đóng vai trò – “Đấng tạo hóa”.
Chúng ta hãy xem xem
con trẻ làm thế nào để thiết lập quan hệ hài hòa với môi trường để tự phát
triển. Ví dụ như ngôn ngữ, trẻ em của bất cứ quốc gia và dân tộc nào đều có thể
nghe thấy và học được ngôn ngữ của loài người trong thế giới đầy ắp âm thanh
này. Trong ba năm đầu đời, trẻ có thể nắm được những ngôn ngữ cơ bản của dân
tộc mình, học được các chi tiết trong ngôn ngữ đó. Quá trình phát triển này
tuyệt đối không ai kể cả người có chuyên môn cao có thể dạy cho trẻ. Không khó
để chúng ta nhận ra rằng, trẻ em trước 6 tuổi thích nhìn người lớn làm hơn là
nghe người lớn nói. Năng lực ngôn ngữ của trẻ em được hình thành từ quá trình
tương tác với môi trường xung quanh. Thế nên các nhà tâm lý học mới nói, những
thứ mà trẻ học được trong ba năm đầu đời, người lớn cần đến sáu mươi năm nỗ lực
mới có thể hoàn thành. Tại sao chúng ta không suy nghĩ xem điều này là vì sao?
Loài người đã phát
hiện ra được bí mật này – TRẺ EM TỰ PHÁT TRIỂN
Tôi có thể đưa ra một
ví dụ ngược lại. Một vị giáo sư tâm lý học của Đại học Havard sinh được một
người con trai, ông đã chuẩn bị mọi thứ để bồi dưỡng con mình thành thiên tài.
Khi đứa trẻ 3, 4 tuổi đã có thể nói được đến ba, bốn thứ tiếng; 6 tuổi thi vào
trung học; 10 tuổi vào học ở Đại học Havard; 16 tuổi làm nghiên cứu sinh tiến
sĩ tại Đại học Havard. Từng giây, từng phút nhà tâm lý học đó liên tục bắt con
trai mình “tiếp nhận và tiếp nhận” thêm các tri thức mới. 18 tuổi, cậu trở
thành nhân viên bán hàng tại một cửa hàng ở London nước Anh. Nhưng cậu không
làm gì hết, cậu từ chối mọi “hoạt động mang tính tri thức” và cảm thấy vui khi
làm một nhân viên bán hàng. “Một bồ kiến thức” không hề có tác dụng gì với cậu,
trên thực tế, “tri thức” khiến cậu vô cùng đau khổ. Tôi thấy rằng, nếu con
người chỉ có khối óc mà không có cơ quan cảm giác, rồi biến khối óc trở thành
công cụ phục vụ thế giới này, thì nỗi đau khổ của chúng ta sẽ giảm bớt đi rất
nhiều. Nhưng chúng ta vẫn có cảm giác, tâm lý, tinh thần và tâm hồn, chúng ta
phải tìm thấy chính mình thì mới không đau khổ. Sự phát triển của con người,
tinh thần của con người phải được phát triển từ cảm giác, để cảm giác luôn là
người bạn đường của chúng ta.
Trên thực tế, quá
trình trưởng thành của con người là một quá trình trưởng thành tâm lý chứ không
phải quá trình trưởng thành trí lực. Sự trưởng thành về trí lực phải dựa trên
sự trưởng thành về tâm lý.
Nếu chúng ta hiểu được
quy luật khoa học trong sự trưởng thành của con trẻ, để con trẻ phát triển tự
nhiên theo quy luật nội tại của phôi thai tinh thần, chắc chắn con trẻ sẽ trở
thành nhân tài. Khi chúng ta phá vỡ quy luật phát triển tự nhiên của con trẻ,
thì cả quá trình phát triển sau đó sẽ lệch lạc, bao gồm cả trí lực. Vì thế bà
Montessori đã nói rằng: “Chúng ta phải trở thành người đày tớ chứ không phải
chủ nhân của tinh thần con trẻ”.
Nhưng hiện giờ, khi
chúng ta phân định rạch ròi cái tôi và tri thức của trẻ, thì cũng có nghĩa là
quy luật phát triển tự nhiên của trẻ đang bị hủy hoại, chúng ta sẽ không thể
tìm thấy bí mật nội tại của các con. Suy nghĩ nóng vội muốn nhồi nhét tri thức
cho trẻ đã tự trói chân chúng ta khiến chúng ta có cái nhìn phiến diện, còn
đống rác rưởi của những thứ mang tên kiến thức đã phá hoại sự phát triển của
một con người với sức sống và sức hút nhân cách sẵn có của mình. Chỉ khi thừa
nhận trẻ có phôi thai tinh thần và tin tưởng trẻ, bí mật trưởng thành của nhân
loại mới dần dần hé mở.
Đăng nhận xét