TIN MỚI

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

GIẢM TẢI CĂNG THẲNG - HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TÂM LÝ BẰNG THỰC PHẨM THƯỜNG NGÀY

LƯU Ý: Đây chỉ là các loại thực phẩm mang tính chất HỖ TRỢ, chứ không có tác dụng chữa bệnh; thường chủ yếu có mặt trong các loại thực phẩm thường ngày hoặc các loại vitamin tổng hợp được bày bán ở hiệu thuốc. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý hỏi Dược Sĩ hoặc Bác Sĩ trước khi tự ý mua uống hoặc trước khi sử dụng. Nếu bị rối loạn hoặc có triệu chứng bệnh lý, các bạn nên tìm đến sự giúp đỡ từ các Bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn chính xác hơn. 

Trong bài này mình sẽ cố gắng giới thiệu những loại thực phẩm giúp bổ trợ điều trị rối loạn tâm lý và giảm tải căng thẳng (tức là người bình thường hay người đang có rối loạn tâm lý hoặc căng thẳng đều dùng được). Về liều lượng, hầu hết các nhà sản xuất thuốc đều đã giới hạn liều lượng trong một viên. Vì vậy để tránh quá liều, các bạn nên uống theo như chỉ dẫn trên vỏ hộp thuốc, hoặc theo như bác sĩ chỉ định.

Vitamin và khoáng chất
Vitamin

– Vitamin A: Vitamin A (hay còn gọi là retinol) có tác dụng rất tốt trong việc chống lão hóa, làm mắt tinh tường hơn. Vitamin A rất cần thiết cho cơ thể, mọi tế bào trong cơ thể nếu không có vitamin A sẽ không thể hoạt động được bình thường. Vitamin A thường có mặt trong các loại rau củ như cà rốt, khoai ngọt, ngũ cốc và rau chân vịt.
– Vitamin B tổng hợp (B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, B12,…): Tác dụng đầu tiên của Vitamin nhóm B là hỗ trợ, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Về mặt tâm sinh lý, Vitamin nhóm B còn hỗ trợ cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não (neurotransmitter), giúp giảm các triệu chứng căng thẳng, lo âu và các cảm xúc tiêu cực khác. Ngoài ra, nhóm này còn có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ chúng ta khỏi ốm đau. Các triệu chứng khó chịu liên quan đến hormone như đau nửa đầu hoặc triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở phụ nữ cũng được giảm đi khi người đó uống vitamin B tổng hợp. Vitamin B tổng hợp thường có mặt trong các loại hạt và rau củ như đậu phộng, rau chân vịt, hạt điều hoặc trứng, sữa, thịt bò, thịt cá, quả bơ…
– Vitamin C: Vitamin C giúp lành vết thương trong cơ thể nhanh hơn, kể cả là vết thương ngoài da hay trong niêm mạc. Có tài liệu khoa học cho rằng kể cả khi tế bào trong não bộ tổn thương, vitamin C cũng có tác dụng làm lành các tế bào thần kinh (nerve cells) và có tác dụng chống ô xy hóa và đột quỵ khá tốt. Về tác dụng lên tâm trạng, Vitamin C gần đây được các nhà nghiên cứu quan sát là có tác dụng tích cực lên tâm trạng của người sử dụng. Vitamin C thường có trong các loại quả như ổi, mãng cầu, măng cụt, kiwi, cam, chanh…
– Vitamin D: Vitamin D được biết đến là một loại vitamin giúp xương và răng chắc khỏe, điều chỉnh huyết áp và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho rằng Vitamin D còn có khả năng chữa trầm cảm và căng thẳng. Ra nắng nhiều cũng giúp chúng ta tổng hợp vitamin D từ tự nhiên (tuy nhiên các bạn nên tiếp xúc với nắng trong thời gian ngắn vào giờ hợp lý và có sự bảo vệ cần thiết). Các bạn có thể tìm thấy vitamin D ở các loại thực phẩm như dầu cá, cá, sữa và ngũ cốc.
– Vitamin E: Loại vitamin này giúp bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại, giúp da và tóc đẹp hơn. Chúng cũng có tác dụng bảo vệ tế bào não khỏi những thương tổn và giúp điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ, giúp máu lưu thông tốt  hơn. Vitamin E thường có mặt trong các loại dầu thực vật, bơ đậu phộng, hạt hướng dương và các loại ngũ cốc.
– Vitamin K: Giúp ngăn chặn chảy máu trong, đặc biệt tốt cho phụ nữ vì nó giúp giảm đau trong kỳ kinh nguyệt. Vitamin K thường có mặt trong các loại rau quả có màu xanh và đậu xanh.

Khoáng chất


– Canxi: Canxi là thành phần chính trong xương cốt của chúng ta. Không có canxi, cơ thể chúng ta sẽ dễ bị đau xương, loãng xương, đau cơ khớp và bủn rủn chân tay. Canxi thường có mặt trong các loại hải sản như tôm, cua, cá, pho mát, sữa v.v..
– Crôm (Chromium) được cho rằng có liên hệ mật thiết tới chứng trầm cảm ở người. Việc thiếu hụt Crôm sẽ dễ dẫn đến trầm cảm hơn những người không bị thiếu hụt. Crôm thường có mặt trong thịt bò, thịt gà, sữa bò, và súp lơ.
– Lithium: Lithium được cho rằng rất hữu hiệu trong việc điều trị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), rối loạn ăn uống (eating disorder) và trầm cảm, cùng nhiều bệnh lý tâm lý/ tâm thần khác. Lithium còn giúp cân bằng tâm trạng, cảm xúc. Lithium có mặt trong dầu cá, cụ thể là omega-3, hạt lanh (flaxseed), quả hồ đào (hay còn gọi là quả óc chó – walnut), dầu hạt cải (canola oil).
– Ma-giê (Magnesium): Một loại khoáng chất nổi tiếng trong việc hỗ trợ điều trị lo âu, căng thẳng và rất tốt cho hệ thần kinh nói chung. Ma-giê còn tốt cho phụ nữ trong kỳ kinh, giúp điều hòa tâm trạng và giảm đau. Ngoài ra, những người bị rối loạn nhịp tim và khó ngủ cũng được khuyên bổ sung loại khoáng chất này. Ma-giê thường có mặt trong các loại rau quả có màu xanh, hạt điều, bơ sữa, đậu nành, khoai tây, lúa mì…
– Kẽm (Zinc): Nghiên cứu cho thấy thiếu hụt Kẽm có thể dẫn đến trầm cảm nặng, gây cảm giác hoang mang lo lắng. Vì vậy, bổ sung kẽm không những tốt cho cơ thể mà còn tốt cho tâm trạng. Kẽm thường có trong các loại thức ăn như thịt bò, hàu, mầm lúa mỳ, bí ngô, rau chân vịt, nội tạng (gà, lợn) luộc…
– Sắt (Iron): Sắt là một chất không thể thiếu trong cơ thể. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, khó thở, đột quỵ, giảm huyết áp v.v… Về tâm lý, thiếu sắt sẽ dẫn tới các chất dẫn truyền thần kinh trong não khó được tổng hợp, từ đó gây ra các rối loạn tâm lý như lo âu, hoảng loạn, trầm cảm… Sắt thường có mặt trong các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu, hoặc hạt nho khô, ngũ cốc, đậu phụ, rau chân vịt…
Các loại khoáng chất khác cũng có vai trò làm giảm lo âu như Kali, I-ốt, Selenium… những loại này thường có trong các loại hải sản như cá thu, hàu, sò huyết, nội tạng (phổi cừu…)

Khác


– Đạm (Protein): Mỗi tế bào trong cơ thể con người có chứa protein. Nó là một phần quan trọng của da, cơ bắp, các cơ quan, và các tuyến. Protein cũng được tìm thấy trong tất cả các chất dịch cơ thể, ngoại trừ mật và nước tiểu. Protein là tham gia vào thành phần cơ bắp, máu, bạch huyết, hocmôn, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Vì vậy, protein có liên quan đến mọi chức năng sống của cơ thể (tuần hoàn, hô hấp, sinh dục, tiêu hóa, bài tiết hoạt động thần kinh và tinh thần…)
– Dầu cá: Dầu cá giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzehimer, sa sút trí tuệ và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, Omega-3 chứa Lithium cũng giúp giảm thiểu chứng trầm cảm.

Thảo dược & thảo mộc

Hiện nay ở phương tây, các loại  thảo dược, thảo mộc (herbs & flowers) đã được các nhà khoa học công nhận là có tác dụng trong việc điều chỉnh tâm trạng và hỗ trợ điều trị rối loạn tâm lý.
– Hoa cúc (Chamomile): Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Vì vậy, hoa cúc thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở. Các loại trà hoa cúc còn có tác dụng tốt trong việc giảm lo âu và điều trị mất ngủ.
– Tâm sen: Tâm sen từ lâu đã được biết đến tác dụng an thần, giải nhiệt và chống bứt rứt khó chịu. Ngoài ra, tâm sen còn có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, phòng chống rối loạn nhịp tim, khó ngủ, lo âu.
– Nấm linh chi: Linh chi được biết đến với tác dụng thần kỳ cho sức khỏe như làm sạch cơ thể, chống ung thư, bổ trợ hệ miễn dịch. Với hệ thần kinh, loại nấm này còn giúp làm giảm mệt mỏi, trấn tĩnh, hỗ  trợ thần kinh. Giúp thư giãn thần kinh, làm giảm ảnh hưởng của Caffeine và làm thư giãn bắp thịt. Dùng nấm linh chi để trị chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược, stress gây lo âu sẽ có hiệu quả tốt. Trong trường hợp bạn không đủ tài chính để mua nấm tươi cũng có thể mua trà Linh chi uống thay.
– Hoa Lạc tiên (Passionflower): Loại hoa này thường được sử dụng để thúc đẩy thư giãn và sự nghỉ ngơi, và giúp giảm bớt lo âu, sợ hãi và ngủ sâu hơn.
– Hoa bồ công anh (Dandelion): Đây là một trong những loại cây hữu ích nhất trong lịch sử loài người được biết đến từ lâu bởi tác dụng giải độc gan, hỗ trợ tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Do các chất béo ít tồn đọng trong cơ thể mà tâm trạng người uống cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.
– Hoa oải hương (Lavender): Nếu rỗi rãi, hãy chạy ra ngoài mua một chai tinh dầu oải hương 10ml cùng với đèn đốt Bát Tràng để đốt kèm với nến tại nhà. Tinh dầu của cây hoa oải hương được biết đến với  tác dụng loại bỏ lo âu, bồn chồn hay căng thẳng và đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Sau khi đi làm, đi học về, các bạn có thể đốt mùi oải hương và thư giãn trong tiếng nhạc, uống một cốc nước mát là mọi điều dường như nhẹ đi trông thấy.
– Rễ Kava (Kava root): Tương tự như hoa Lạc tiên và hoa cúc, rễ Kava cũng có tác dụng rất tốt cho việc giải tỏa căng thẳng và cảm giác lo lắng thường trực, giúp chúng ta tỉnh táo hơn.
– Cỏ mèo (Catnip herb): Cỏ mèo có tác dụng thư giãn và giảm đau rất tốt.
– St. John’s Wort: Đã được sử dụng ở châu Âu hàng thế kỷ, giúp giải tỏa căng thẳng và chứng bồn chồn khó chịu trong hệ thần kinh bằng cách làm ổn định và cân bằng lại tâm trạng.
– Rễ cây nữ lang (Valerian root): Rễ cây nữ lang được biến đến trên thế giới là loại thảo dược hỗ trợ giấc ngủ tốt nhất trong các loại thảo dược kể trên. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm lo âu, căng thẳng và trầm cảm.
– Lá quả mâm xôi (Raspberry leaf): Giúp phụ nữ có một kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh, giảm đau bụng kinh và các khó chịu khác trong tâm trạng vào những ngày đèn đỏ.
– Tinh dầu hoa Anh Thảo (Evening Primrose Oil): Là một loại dầu có chứa nhiều gamma-linolenic acid (GLA) – một loại acid béo rất quan trọng với sức khỏe. Loại dầu này giúp phụ nữ điều hòa kinh nguyệt, giảm các triệu chứng tâm lý và thực thể trước và đang kỳ kinh. Ngoài ra, dầu này còn giúp làm đẹp da và làm dịu các vết mụn.
– Ginkgo Brahmi: Là một loại thảo mộc giúp  tăng cường tuần hoàn máu, oxy và dưỡng chất trong não; giúp tăng cường trí nhớ và giảm lo âu.
Chúc các bạn vui khỏe!


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng