Lý thuyết hình học của Tâm trí
Năm 1900, trong tác phẩm Giải
đoán giấc mơ, Freud đưa ra “Lý thuyết hình học” của tâm trí, trong
đó ông chia tâm trí thành ba vùng: vô thức, tiềm thức và ý thức. Vì
Freud đi tới lý thuyết nhờ các khám phá về vô thức và vì ông luôn xem vô thức
là yếu tố quyết định nhân cách con người.
Vô thức
Ngay từ khi nghe những
bệnh nhân đầu tiên kể về mắc mứu của mình, Freud đã nhận thấy họ đang kìm nén
những ước muốn đáng sợ và những ký ức méo mó vốn không thể chấp nhận ngay cả
với bản thân họ. Thi thoảng những ý nghĩ và cảm xúc bị cấm đoán đó lộ ra ở ý thức
qua giấc mơ hay sự lỡ lời, thường dưới dạng ngụy trang hay tượng trưng. Vậy thì
chúng từ đâu đến, tại sao chúng khủng khiếp, và cái gì ngăn không cho chúng
xuất hiện ở ý thức?
Các ước muốn không
được chấp nhận đó từ đâu xuất hiện? Sau khi khảo sát cẩn trọng giấc mơ của bệnh
nhân, Freud kết luận: “Cái là vô thức trong cuộc sống tinh thần cũng chính
là cái thơ trẻ”. Freud nhận thấy người lớn ít khi nhớ những gì xảy ra lúc
năm hay sáu tuổi, nhưng chúng vẫn được lưu trong vô thức. Khi thức, một phần
tâm trí đè nén hay “kiểm duyệt” chúng. Nhưng khi ngủ, bộ phận kiểm duyệt
nghỉ ngơi và ký ức có thể lọt lên tầng ý thức, tất nhiên dưới hình thức ngụy
trang.
Về vấn đề tại sao
chúng có dạng bất thường, Freud viết: “Nhu cầu khoái cảm – dục năng
(libido), như chúng ta gọi nó – chọn đối tượng một cách không cấm đoán, và thực
tế là thích chọn trái cấm: không chỉ vợ người khác, mà cả đối tượng loạn luân …
mẹ và em gái, cha và anh trai… Sự căm hận cũng bùng phát không kìm nén. Ước
muốn trừng phạt và cái chết… không phải là hiếm. Những ước muốn bị kiểm soát đó
xuất hiện từ Địa ngục; và khi đã được giải đoán lúc ta thức giấc thì không một
sự kiểm soát nào đáng xem là hà khắc nữa”.
Bản chất chống xã hội
của những ước muốn bị kìm nén đó chứng tỏ con người là ác quỉ? Freud không cho
là vậy. Tâm năng chỉ “là chính nó”. Những mong ước đó xuất hiện rất sớm,
trước khi bệnh nhân được xã hội hóa. Chúng chỉ gây rắc rối khi người lớn xem là
xấu xa, và đó là lý do tại sao chúng bị “kiểm duyệt” để không xuất hiện
ở ý thức.
Ý thức
Ý thức là khái niệm
khó định nghĩa chính xác về mặt khoa học. Rất lâu trước khi Freud chia tâm trí
thành ba phần, giới tâm lý Đức thường liên hệ ý thức với sân khấu trong một nhà
hát. Luồng sáng hẹp của đèn pha chiếu qua chiếu lại trên sân khấu, chiếu sáng
những gì đang được chiếu sáng. Ngồi trong nhà hát, ta có thể thấy một dòng liên
tục các hình ảnh xuất hiện dưới ánh đèn rồi biến mất vào bóng tối. Luồng
sáng hẹp đó chính là ý thức hiện tại của bạn. Phần sân khấu còn lại cũng có
thể nhìn thấy – nếu được chiếu sáng. Nhưng tại mỗi một thời điểm thì tất cả
những gì mà bạn thấy chỉ nằm gọn trong luồng sáng đèn pha.
Tiềm thức
Theo chân các nhà
triết học Đức, Freud cho rằng tiềm thức là bất kỳ cảm giác hay tư duy nào mà ta
có thể biết – nếu và khi được đèn pha ý thức chiếu sáng.
Hai hệ thống tâm trí
Theo Freud, có hai hệ
thống quyết định cuộc sống tinh thần là hệ tìm kiếm khoái cảm vô thức
và hệ kiểm soát tiềm thức. Hệ tìm kiếm khoái cảm gắn với dục năng, mục đích
là thu được sự thỏa mãn tức thời các đòi hỏi. Mục đích của hệ kiểm soát tiềm
thức là ngăn chặn không cho luồng sáng ý thức chiếu tới những vùng “lộn xộn”
không muốn thấy. Những gì bạn nghĩ – đặc biệt những gì bạn nằm mơ – là do tương
tác giữa hai hệ thống qui định.
Nguyên lý khoái cảm
Hệ vô thức được vận
hành bằng nguyên lý khoái cảm. Đó là, bất cứ sự thỏa mãn nhu cầu dục năng nào
cũng dẫn tới trạng thái khoái cảm về thể chất hay tinh thần. Nếu nhu cầu không
được thỏa mãn, ta thấy đau đớn hay – theo Freud – không khoan khoái.
Freud cho rằng có hai
cách thỏa mãn tâm năng. Đầu tiên là thỏa mãn thực, như khi đói thì sữa làm em
bé khoan khoái. Không có sữa thì em bé tìm cách thỏa mãn “ảo” hay “tượng
trưng”, chẳng hạn mút tay hay mơ thấy được ăn.
Nguyên lý hiện thực
Khi lớn lên, em bé dần
nhận thấy, cách “thực” dẫn tới sự tưởng thưởng kéo dài và thú vị hơn cách “ảo”.
Và bé ngày càng nhận rõ sự khác biệt giữa hai phương cách. Khi đó bé bắt đầu
hướng theo cái mà Freud gọi là nguyên lý hiện thực. Hệ tiềm thức
bắt đầu tìm kiếm ở môi trường xung quanh những gì có thể thỏa mãn khoái cảm một
cách thực tế (chẳng hạn vú mẹ). Quá trình tìm kiếm đó dần đưa bé tới “sự tự
làm chủ”.
Giấc mơ
Tất nhiên người lớn có
khả năng tự làm chủ và phân biệt rõ ràng hai cách thỏa mãn. Tuy nhiên vô thức
vẫn tìm kiếm sự thỏa mãn các ước vọng trẻ thơ – và những ước vọng này thường có
tính chống xã hội nên không thể thỏa mãn trên thực tế. Vậy người lớn mơ để thực
hiện những ước vọng bị ngăn cấm.
Giấc mơ có vai trò
quan trọng, vì nó có thể thỏa mãn một phần các nhu cầu vô thức trong khi vẫn
duy trì được tiêu chuẩn đạo đức. Freud xem giấc mơ là “con đường vương giả”
dẫn tới vô thức. Ông nói: “Tất cả chúng ta, kể cả người tốt, đều có bản chất
dã thú vô pháp lộ ra trong giấc ngủ”. Nhưng vì vô thức hành động cả khi
hiện thực không tồn tại, nên có thể thỏa mãn đòi hỏi của nó một cách tượng
trưng. Như vậy bộ phận kiểm soát có thể thỏa mãn hầu hết các nhu cầu vô thức
bằng cách trình bày chúng dưới dạng hóa trang.
Bản năng
Năm 1915, Freud định
nghĩa bản năng là “biểu diễn tinh thần của nhu cầu vật chất”. Theo ông,
nó có bốn đặc trưng là áp lực, mục đích, đối tượng và cội nguồn.
Càng thiếu ăn thì ta
càng đói, càng chịu áp lực tìm kiếm và tiêu thụ thức ăn. Mục
đích của mọi bản năng là giảm áp lực. Như vậy mục đích cuối cùng của
bản năng đói là ăn. Mút tay là mục đích trung gian vì nó có
thể tạm thời làm dịu đói. Thỏa mãn tượng trưng một nhu cầu nào đó luôn là mục
đích trung gian của bản năng tương ứng. Hầu hết các nhu cầu chỉ có thể thỏa mãn
bằng đối tượng thực: Vú mẹ trở thành đối tượng để em bé săn lùng khi đói. Muộn
hơn đối tượng có thể là bình sữa hay ngón tay. Và cội
nguồn của bản năng là các quá trình vật lý và hóa học trong cơ thể.
Tình yêu và cái chết
Năm 1920, Freud cho
rằng có hai bản năng chủ yếu: Eros (thần tình yêu trong thần
thoại Hy Lạp) là lực sống và Thanatos (thần chết) là bản năng
chết. Theo cách diễn giải của ông, Eros là bản năng sáng tạo có tổ chức để bảo
tồn sự sống và giống loài. Eros là tình yêu và sự khoái cảm.
Thanatos là bản năng
phá vỡ sự tổ chức của nhân cách và đưa cơ thể tới “con đường tự thân dẫn tới
cái chết”. Thanatos là sự tự căm thù, gây hấn và buồn đau.
Hầu hết những người
theo phân tâm học chấp nhận Eros nhưng bác bỏ Thanatos. Để bảo vệ quan điểm về
tình yêu và cái chết, Freud đưa ra “mô hình tâm trí” mới.
Mô hình cấu trúc của tâm trí
Thành phần chính trong
lý thuyết hình học là vô thức và tiềm thức. Năm 1923, Freud cho rằng mô hình
này không chính xác nên đưa ra ba cấu trúc mới: cái ấy, cái tôi và cái
siêu tôi.
Cái ấy
“Một cách nguyên
mẫu, hãy tin rằng, mọi thứ là cái ấy”. Bằng cách diễn đạt như vậy, Freud
xem cái ấy là thành phần nguyên thủy nhất của nhân cách. Nó tồn tại từ lúc mới
sinh và chứa tất cả các bản năng cơ bản. Freud gọi nó là “cái vạc đầy ắp
những kích thích sục sôi”. Theo ông, cái ấy “không biết đánh giá các giá
trị: không thiên thần và ác quỉ, không đạo đức… Nó không có tổ chức, không tạo
ra ý chí tập thể, mà chỉ hành động nhằm thỏa mãn các nhu cầu bản năng dưới con
mắt theo dõi của nguyên lý khoái cảm”.
Cái tôi
Với bản chất tham lam,
cái ấy sẽ sớm tự phá hủy bản thân – và nhân cách. Tuy nhiên, theo Freud, ngay
những năm đầu đời, cái tôi bắt đầu thoát thai từ cái ấy. Sự phát triển cái tôi
là hệ quả của việc con người có nhu cầu kiềm chế cái ấy và đáp ứng một cách
thích hợp những đòi hỏi của môi trường xung quanh. “Chúng ta có thể nói rằng
cái tôi ứng với lý trí và cảm xúc tốt trong khi cái ấy ứng với các cảm xúc mạnh
mẽ không được thuần hóa”. Cái ấy chứa libido và tuân theo nguyên lý khoái
cảm. Cái tôi tuân theo nguyên lý hiện thực. Khi hành động như vậy, cái tôi có
quyền quyết định vấn đề, liệu một nhu cầu bản năng nên được thỏa mãn tức thời
hay cần phải kìm nén.
Vì cái tôi thoát thai
từ cái ấy, cái tôi cần tìm nơi chứa tâm năng. Một phần năng lượng này hướng tới
những đối tượng bên ngoài có thể thỏa mãn nó. Freud gọi đó là dục năng
đối tượng. Phần năng lượng còn lại của cái tôi được dùng để chống lại “bản
năng chết”. Cái tôi “làm trung gian” giữa các nhu cầu trẻ thơ của
cái ấy và đòi hỏi của hiện thực bên ngoài. Và khi thực hiện điều đó, nó phải
gắn với yếu tố thứ ba của tâm trí – cái siêu tôi.
Cái siêu tôi
Đối tượng đầu tiên mà
cái tôi em bé đầu tư là vú mẹ. Chẳng chóng thì chầy, cái “dục năng đối tượng”
đó sẽ được mở rộng cho cả người mẹ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mà Freud
gọi là giai đoạn tiềm tàng, bé buộc phải chấm dứt việc xem mẹ là
“đối tượng tình yêu”. Khi bị “mất mẹ” như vậy, cái tôi sẽ bù cho cái ấy bằng
cách lựa chọn một số đặc trưng từ người mẹ. “Khi cái tôi lựa chọn đường nét
của đối tượng (đã mất), có thể nói, nó tự buộc mình xem cái ấy như đối tượng
tình yêu bằng cách nói: “Hãy nhìn đi, bạn có thể yêu tôi đấy – Tôi rất giống
đối tượng””.
Quá trình “trở
thành giống đối tượng đã mất” như thế được gọi là sự đồng nhất.
Và từ sự đồng nhất đó mà cái siêu tôi thành hình. Nói một cách đơn giản thì cái
siêu tôi xuất hiện khi đứa trẻ học cách đồng nhất với cha mẹ.
Vì hình thành khi đứa
trẻ còn bé, nên cái siêu tôi xây dựng một hình ảnh lý tưởng hóa về cha mẹ. Cái
“ý niệm lý tưởng hóa” đó hầu như không hơn tập hợp các hành vi được xã
hội cho phép. Nên cái siêu tôi hành xử như “lương tâm xã hội”. Trong hầu
hết tình huống, cái siêu tôi buộc cái tôi (và cái ấy) tuân theo chuẩn mực đạo
đức xã hội, bất kể chúng khắc khe đến mức nào.
Theo Freud, nhiệm vụ
của cái tôi không chỉ là giữ vai trò trung gian giữa cái ấy và hiện thực, mà
khi làm như vậy, nó còn phải thỏa mãn cấu trúc của cái siêu tôi. Với một chút
phân vân, ông nhắc nhở cái tôi điều đó: “Cuộc sống chẳng dễ dàng gì!”.
Tương tác giữa hai mô
hình:
Năm 1933, Freud hợp
nhất hai mô hình hình học và cấu trúc với nhau. Ông xem cái tôi nằm chủ yếu ở
vùng ý thức và tiềm thức, nhưng cũng lấn sâu xuống vô thức. Cái siêu tôi chủ
yếu nằm ở tiềm thức và vô thức; còn cái ấy nằm ở vô thức. Tuy nhiên Freud cảnh
báo về việc thảo luận sơ đồ hợp nhất của ông một cách quá cơ giới. Ông cho
rằng: “Chúng ta không thể phán xét đặc trưng tâm trí bằng các đường nét
tuyến tính như trong một bức tranh cổ, mà nên bằng các mảng màu tan vào nhau
của hội họa hiện đại. Sau khi tạo ra sự chia tách, chúng ta phải nhập cái mà
chúng ta vừa chia tách lại với nhau”. Trong lý thuyết Freud, chính mối
tương quan động giữa các thành tố – cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi; vô
thức, tiềm thức, ý thức – quyết định bản chất nhân cách con người.
Phát triển mới trong
lý thuyết nhân cách
Có thể hiểu rõ hơn vị
trí của phân tâm học nếu lưu ý tới xu hướng phát triển mới trong các lý thuyết
nhân cách sau Freud. Các xu hướng đó bao gồm:
1.
Sự dịch chuyển từ quan
điểm “tự nhiên” của Freud tới quan điểm “giáo dục” tới quan điểm “tương
tác” giữa tự nhiên và giáo dục.
2.
Quá trình thoát ly
quan niệm cơ thể là “cỗ máy phản ứng thụ động” để chuyển sang quan niệm
con người là “kẻ tham gia tích cực” vào việc hình thành nhân cách bản
thân.
3.
Xu hướng từ nhấn mạnh
cảm xúc của Freud tới nhấn mạnh quá trình nhận thức.
4.
Thoát ly vô thức để
hướng tới niềm tin, rằng các quá trình ý thức là quan trọng đối với nhân cách.
5.
Giảm quan tâm tới “các
giai đoạn phát triển”, tăng niềm tin rằng các hình thái phát triển nhân
cách được quyết định nhờ sự tương giao liên tục giữa con người và môi trường xã
hội.
6.
Một bước chuyển từ
niềm tin Freud rằng nhân cách cố định ở tuổi 15 sang quan niệm con người có thể
trưởng thành trong suốt cả cuộc đời.
Xem thêm:
- HỌC THUYẾT CỦA SINGMUND FREUD
Xem thêm:
- HỌC THUYẾT CỦA SINGMUND FREUD
Đăng nhận xét