Có một ngày tôi nói
với con mình: “Sự cao quý của cuộc sống nằm ở chỗ sinh mệnh của con không giống
với sinh mệnh của bất cứ ai khác, cảm nhận của con với vạn vật trong thế giới
cũng không giống bất cứ ai”. Nếu tất cả mọi người chúng ta đều giống nhau, như
tôi từng nói, chúng ta bỏ tinh trùng và trứng vào một cái hộp, rồi lại chế tạo
ra một cái máy ấp, đặt cái hộp đó vào, giữ nhiệt độ ổn định, và rồi “bíp bíp
bíp” mở cửa, “chiu chiu chiu”, lấy từng đứa trẻ ra, mỗi người chúng ta bế một
bé về nhà nuôi thì sinh mệnh này có còn ý nghĩa nữa không? Chẳng còn ý nghĩa gì
hết.
Hoàn toàn ngược lại, cái gọi là trạng thái tốt của một người nằm ở chỗ cảm
nhận của người đó đối với thế giới hoàn toàn độc đáo, không giống bất cứ ai.
Cũng giống như tôi vừa nói, bước thành công đầu tiên của phương pháp giáo dục
Montessori chính là khi bà đưa ra một đồ dùng học tập, chỉ có một, hai cháu
trong lớp cảm thấy có hứng thú, chứ không phải tất cả các cháu trong lớp đều
chạy ào tới. Được như vậy, bước giáo dục đầu tiên của bạn đã thành công!
Phương pháp giáo dục
hiện nay của chúng ta lại bồi dưỡng trẻ hướng tới một sở thích chung. Vẽ tranh
cả lớp cùng vẽ, học toán cả lớp cùng tính… Con người có rất nhiều thứ phải theo
một chuẩn mực chung, ví dụ kiến thức, đạo đức, điều này là có lý do. Nhưng những
thứ giống nhau đó không được dạy cùng một thời gian, còn nếu bắt buộc phải dạy
cùng một thời gian, thì cũng phải ở tiểu học và những bậc sau. Lúc này, phôi
thai tinh thần của trẻ đã có những thay đổi, trẻ đã có thể hướng cảm giác đến
những điểm chú ý mà người lớn dẫn dắt, năng lực đó sẽ ngày càng mạnh mẽ. Nhưng
những khác biệt của học sinh ở cấp tiểu học vẫn rất lớn, cần phải hiểu rõ từng
trẻ, để có những đối xử khác biệt với từng học sinh trong cùng một phương pháp
dạy.
Hễ không cẩn trọng là
phương pháp giáo dục của chúng ta sẽ mài mòn cá tính của trẻ. Trên thực tế,
giới tâm lý học có chung một nhận định, nhận định đó là: Cá tính đồng nghĩa với
sự sáng tạo. Vì vậy quá trình bồi dưỡng con người phải là quá trình bồi dưỡng
cá tính. Nhưng chúng ta lại hiểu sai cá tính, cho rằng những người quậy phá,
nghịch ngợm, suy nghĩ lung tung mới là có cá tính. Thực tế không phải như vậy,
những người có tư duy độc đáo, có trạng thái sinh tồn khác với đa số mới là
người có cá tính.
Nhưng tại sao chúng ta
lại đang tạo ra bao nhiêu người giống nhau như thế? Chúng ta không có tư tưởng
riêng mà chạy theo đám đông, theo trào lưu, như thế mới có được cảm giác an
tâm. Đó là vì chúng ta không độc lập về tinh thần. Hãy nhìn ra xung quanh,
chúng ta có được mấy người độc lập? Thời kỳ nhạy cảm trong quá trình trưởng
thành của mỗi con người đều không có được sự quan tâm và định hướng cần có,
thậm chí chúng ta còn không hề tôn trọng quy luật “tự phát triển”, năng lực tư
duy độc đáo sâu thẳm của chúng ta đã biến mất. Montessori nói, chúng ta đã tạo
ra một số lượng lớn những người bình thường. Còn những người có tư duy đặc biệt
thì được coi như những người có sức sáng tạo. Giả dụ như từ hôm nay chúng ta có
thể tôn trọng trẻ, để cho trẻ trưởng thành theo đúng sơ đồ phát triển tự nhiên
của con người, có thể mỗi trẻ đều giàu sức sáng tạo. Nếu như vậy thì thế giới
này sẽ thay đổi rất nhiều.
Tất cả chúng ta đều
biết Albert Einstein và đều công nhận trí lực phi thường của ông. Bộ não của
ông hiện vẫn đang được các nhà khoa học giữ lại để nghiên cứu. Người ta vẫn
đang nghiên cứu xem kết cấu bộ não của ông có gì khác so với người bình thường.
Nhưng cho tới bây giờ, người ta vẫn chưa phát hiện được điều gì khác nhau về
bản chất giữa bộ não của ông và những người khác.
Sự khác biệt thực sự
nằm ở đâu? Nó nằm ở thời thơ ấu. Ông không giống với những đứa trẻ khác, thầy
cô giáo đều nói ông mắc chứng tự kỷ, không có gì nổi bật. Nhưng suy nghĩ của
những người đó là sai lầm vì họ không hiểu giáo dục. Người làm giáo dục mà
không hiểu giáo dục, quản lý giáo dục càng không hiểu và không muốn hiểu giáo
dục, đó là căn bệnh chung của xã hội loài người.
Chúng ta càng ngày
càng cảm nhận được sự vĩ đại của Albert Einstein, những cống hiến của ông mang
ý nghĩa vượt thời đại. Sự vĩ đại của ông gần như là không thể tưởng tượng, gần
như là không thể vượt qua. Người ta nói ông xứng được ba lần nhận giải Nobel,
nhưng con người ở thời đại đó vẫn chưa thể hiểu hết được những sáng tạo của
ông, phải mất bao nhiêu năm sau nữa loài người mới có thể hiểu hết những sáng
tạo này. Trên thực tế, sự khác biệt của ông nằm ở cảm giác khác biệt của riêng
ông, cống hiến của ông chính là đề xuất những khái niệm mới một cách đầy sáng
tạo, bắt nguồn từ cơ sở cảm giác. Lần thứ nhất, ông cho rằng năng lượng ánh
sáng trong hiệu ứng quang điện là từng phần; lần thứ hai, ông cho rằng có thể
đo được tốc độ ánh sáng; lần thứ ba, ông cho rằng chất lượng dẫn đến đến trọng
lượng và chất lượng ảnh hưởng đến gia tốc là như nhau. Từ đó đưa ra thuyết
lượng tử, thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng.
Đây chính là năng lực
cảm giác đặc biệt đối với sự vật và năng lực tạo ra khái niệm, đây chính là sức
sáng tạo. Năng lực này đến từ bên trong, do bản thân trẻ em tự hình thành và
phát triển trong thời kỳ niên thiếu.
Thế nên mục đích của
giáo dục là để phát triển tiềm lực nội tại của con người. Montessori nói: “Có
thể chúng ta sẽ đặt câu hỏi, hứng thú độc đáo có thể khiến trẻ em lựa chọn một
ấn tượng nào đó trong vô số ấn tượng chúng đã gặp là gì? Rất rõ ràng, không
được tồn tại những kích thích từ bên ngoài”. Bà còn bổ sung thêm: “Nếu bạn cực
kỳ vừa ý với một bộ quần áo mới, bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những người mặc kiểu
quần áo này”. Có tình trạng này không? Nếu bạn mới mua một bộ quần áo, bạn cảm
thấy bộ quần áo này cực kỳ vừa ý, khi đi trên phố bạn có thể dễ dàng nhận ra
kiểu quần áo này, cho dù trong một nghìn người bạn cũng có thể phát hiện ra.
Đăng nhận xét