Ngày nay, chúng ta hay
làm theo số đông, tuy nhiên nguyên nhân có thể đến từ những động lực khác không
hẳn là sức ép xã hội. Mà chính là chúng ta bắt chước lẫn nhau.
Trong một nghiên cứu
cổ điển được thực hiện vào những năm 50, Solomon Asch đã chứng minh rằng chúng
ta thậm chí không tin tưởng vào chính giác quan của mình, mà chỉ nghe theo
những nhận định của người khác.
Trong nghiên cứu đó,
một nghiệm thể được đưa vào một nhóm nhỏ mà không biết rằng các thành viên còn
lại đều là những người thuộc đội nghiên cứu. Các nghiệm thể sẽ được yêu cầu trả
lời những câu hỏi rất đơn giản (ví dụ như so sánh chiều dài của một đoạn thẳng
mẫu với các đoạn thẳng khác). Các thành viên khác được chỉ định sẽ cùng đưa ra
một đáp án sai, kết quả, chính việc đó khiến nghiệm thể không còn tin vào nhận
định của mình mà sẽ dần chuyển sang câu trả lời được cả nhóm đồng thuận.
Tuy nhiên, mới đây,
mọt nghiên cứu vừa đặt lại vấn đề về việc chính xác tại sao chúng ta lại làm
theo số đông. Một trong những tác giả của nghiên cứu, Diana Kim, giải thích:
“Tâm lý học xã hội luôn giải thích hiện tượng làm theo số đông trên quan điểm
xã hội: áp lực nhóm, mong muốn thuộc về nhóm, niềm tin vào kiến thức của tập
thể,… Mục tiêu của nghiên cứu là để kiểm chứng xem liệu có những cơ chế nào đơn
giản hơn có thể được quy cho ít nhất là một số những tác động của hiện tượng
trên hay không.”
Không chỉ đơn thuần là
áp lực xã hội, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng tất cả chúng ta đều tồn tại một
mong muốn mãnh liệt “sao chép” người khác.
Thậm chí vai trò áp
lực xã hội còn có thể không đóng một vai trò quá quan trọng, thay vào đó,
nghiên cứu cho rằng các quyết định về mặt hành vi là một dạng “trung bình cộng”
giữa hành vi trong quá khứ của chúng ta và hành vi của những người khác.
Chúng ta lựa chọn cách
hành xử đối với từng tình huống bằng cách nhớ lại hành vi của những người khác
trong tình huống tương tự. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại khá mơ hồ trong việc
gợi nhớ chúng và nghĩ rằng đó chính là hành vi của chúng ta.
Nói cách khác, chúng
ta sao chép hành vi của người khác nhưng lại không nhớ rằng chúng ta đang sao
chép chúng, vì vậy có cảm giác chúng là quyết định của chính chúng ta.
Vậy còn đám đông có
ảnh hưởng gì?
1. Đám đông ngăn cản bạn hiểu về chính mình
Ngay từ khi đi học,
trong tất cả các môn học bạn sẽ được dạy tìm hiểu về thiên nhiên, về cơ học,
hóa học, thiên văn học, toán học, văn học… Tóm lại là những tri thức bên ngoài,
thế còn bên trong? Chúng ta không bàn về môn sinh học lớp 8 về cấu tạo cơ thể
người, ở đây phải hiểu là về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, thói quen, thiên
hướng, khí chất… những điều quan trọng vô cùng khi chúng ta chọn trường thi đại
học, cao đẳng, trung cấp, học nghề, thậm chí tìm người yêu.
Giáo dục gia đình dạy
chúng ta biết nghe lời, sống đạo đức. Giáo dục nhà trường dạy chúng ta tri
thức. Nhưng chúng ta gồm tôi và bạn vẫn là những kẻ rỗng tuếch ở bên trong, tất
cả những việc chúng ta thường làm đa phần chỉ chứng minh cái tôi với mọi người:
mặc đồ đẹp hơn, xe xịn, điện thoại xịn, đánh nhau… hay học giỏi để được ngưỡng
mộ (tất nhiên có bạn học vì mục đích cao cả hơn); và đó là cái tôi dựa vào bên
ngoài, cái tôi ảo.
2. Đám đông ngăn cản bạn yêu thương, trân trọng chính mình
Trong tất cả những bài
học về đạo đức luôn là giúp đỡ người khác, yêu thương người khác vô điều kiện,
luôn là sự cống hiến cho tổ chức, luôn là cố gắng làm vui lòng ông bà, cha mẹ,
anh chị, thầy cô… và đặc biệt là KHÔNG ích kỷ.
Chúng ta được dạy dỗ
để thấy rằng nếu bạn muốn được hạnh phúc, trước tiên bạn phải làm cho người
khác hạnh phúc, hài lòng, giá trị của bạn sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của số
đông, càng đông thì càng tốt.
Trong kinh tế học có
nói chúng ta hãy bán những thứ người ta cần chứ không phải những thứ mình có và
chúng ta sẽ nhận được tiền, nhiều tiền. Nhưng đây không phải kinh tế, đây là
những mối quan hệ, là sự cảm thông, chia sẻ; chúng ta không thể cho họ những
thứ (yêu thương, hạnh phúc) mà chúng ta không có.
Nếu xuất phát điểm
chúng ta không biết trân trọng mình, yêu thương mình thì chúng ta rất khó khăn
để mang lại hạnh phúc cho người khác. Chúng ta sẽ chỉ muốn thực hiện một sự
trao đổi, cho họ một ít và đòi hỏi nhiều hơn… xung đột, hiểu lầm, mâu thuẫn sẽ
luôn xảy ra và thậm chí là sự cô đơn trong mối quan hệ với những người thân thiết
nhất.
3.Đám đông hạn chế tư duy của bạn
Khi bạn bước vào một
đám đông có tổ chức như lớp học, đoàn thể, công ty, hội nhóm nào đó, ở đó luôn
có những quy định bạn phải tuân theo, nó là văn bản hay quy tắc bất thành văn.
Tất cả là văn hóa của tổ chức đó và là cách để khiến tổ chức duy trì ổn định.
Điều đó tất nhiên không có vấn đề gì trừ khi có 2 điều tổ chức đó cố tình, vô
tình làm với bạn là:
- Cố gắng loại trừ tính đa dạng
hóa ở thành viên;
- Cổ động lối tư duy cục bộ, địa
phương.
Mỗi chúng ta có cá
tính khác nhau (năng động, trầm tĩnh, hiền lành, nóng nảy…), có tài lẻ
khác nhau (đàn, sáo, beatbox, hát, múa, đá bóng…) và lối tư duy khác nhau. Một
tổ chức tuyệt vời đáng ra phải biết cách kết hợp và khai thác điểm khác biệt đó.
Nhưng đa số các tổ chức cố gắng đồng hóa tất cả chúng ta thành lũ gà công
nghiệp; chúng ta thường tuyên dương các em học sinh giỏi toán, hóa, lý … và cả
lớp phải lấy đó LÀM GƯƠNG, chúng ta bỏ quên những bạn chạy nhanh, hát hay, đá
bóng hay diễn kịch giỏi, bày lắm trò vui…
Chúng ta không với
nhiều thứ, rất nhiều thứ, lý do là chúng ta ở trong một nhóm, chúng ta thấy nó
giống như một ngôi nhà an toàn, một lũy tre làng, chúng ta không muốn khám phá
bất kỳ cái gì khác, không muốn! Ngay từ khi đi học chúng ta đã được giáo dục
chỉ học và hỏi những gì có trong sách giáo khoa và cách giải! Tốt nhất là theo
kiểu của thầy cô, đừng cố gắng khác biệt và suy nghĩ cấp độ cao hơn những người
xung quanh.
4. Đám đông định nghĩa về sự thất bại và thành công cho bạn
Đám đông định nghĩa về
sự thất bại và thành công cho bạn nghĩa là quy định về hạnh phúc và khổ đau của
bạn. Trên thế giới này đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người
xuất chúng, đạt thành tựu rực rỡ lại là những người trải qua nhiều thất bại cay
đắng nhất. Điều quan trọng là họ xem thất bại là nền tảng chắc chắn để thành
công, vì chúng cho phép họ có những kinh nghiệm quý giá không có trong sách vở,
những thay đổi lớn lao trong nhận thức, tư duy…
Nhưng chúng ta gán cho
thất bại những giá trị hèn kém, chúng ta chỉ ngợi ca những người thành công (lờ
đi những thất bại trước đó của chính họ), bằng sự kỳ thị chúng ta tạo nỗi xấu
hổ, đau đớn hơn cho những lỗi lầm của người khác.
Thay vì đánh giá thành
bại, vui buồn theo tiêu chuẩn của xã hội thì chúng ta nên đánh giá theo tiêu
chuẩn của bản thân mỗi người: tầm quan trọng, ý nghĩa riêng,..
Ví dụ như có nhiều cô
gái trải qua mối tình 3-4 năm và kết thúc trong nước mắt, và họ đã 26-27 tuổi,
đáng lẽ ra họ nên trì hoãn yêu, nên trấn tĩnh và tìm hiểu kỹ hơn về người đến sau
thì họ bị dư luận kêu là sắp ế, gái già… và đành yêu vội, lấy vội ai đó, kết
quả hôn nhân không hạnh phúc!
Một số bạn gái vì cả
tin trong tình yêu mà trót dại mang thai, rồi bị người yêu phụ tình,
nhưng thay vì khoan dung thì dư luận tổng sỉ vả danh dự, nhân phẩm cô gái và
gia đình cô, đến mức phải tự sát. Sau khi cô ấy chết dư luận vẫn nói cô ấy thật
ngu!
Một số cô gái bị lừa
bán sang Trung Quốc, họ bị buộc làm nô lệ tình dục và khi được công an giải cứu
trở về quê hương, đáng ra họ nhận được sự yêu thương từ cộng đồng. Nhưng thực
tế phũ phàng là họ lại chịu sự ghẻ lạnh từ làng xóm, không ai tha thứ cho lỗi
lầm (dù không phải tự họ gây ra).
Hoặc một chuyện
nhỏ hơn, nếu con cái chúng ta bị điểm kém trong kỳ thi, nhưng chúng ta ngay lập
tức phê bình, chỉ trích. Khiến đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc vì trong vô thức
nó nhận ra điểm số quan trọng hơn tình yêu thương, tình yêu mà ta dành cho nó
là thứ có điều kiện, nó sẽ chán ghét việc học hoặc bị áp lực về việc đó, thậm
chí là gian lận thi cử chỉ để làm thế nó mới không bị chúng ta chỉ trích.
Có vô số ví dụ khác
trong cuộc sống nói lên rằng có rất nhiều thất bại, niềm đau sẽ khiến chúng ta
trưởng thành, khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, nhưng số đông luôn định sẵn những
tiêu chuẩn về việc đó, và không ít tiêu chuẩn đã xát thêm muối vào nỗi đau của
bạn, khiến bạn đau hơn trăm lần.
Con người là sự tổng
hòa các mối quan hệ xã hội, và dù bạn muốn làm Robinson trên đảo hoang thì ngày
nay cũng không kiếm đâu ra hòn đảo vô chủ cho bạn sống. Chúng ta đang sống
trong một thế giới đa dạng, nhiều điều thú vị, nhiều thứ cám dỗ, nhiều cơ hội,
nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Cái tôi, “Tôi là ai,
tôi làm gì trong cuộc đời này, quan điểm sống của tôi…” Luôn là những câu hỏi
làm đau đầu chúng ta, nhất là ở độ tuổi 20-30. Vậy cách gì để tìm ra cái tôi
thực sự của mình, để bạn không bị lạc mất phương hướng, không lệ thuộc, để bạn
tự do chiến đấu và hưởng thụ cuộc sống này?
Thực sự không có một
câu trả lời chung cho tất cả chúng ta, vì nó phải dựa trên những trải nghiệm
mang tính cá nhân. Tuy vậy, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu bạn “tách
biệt” ra khỏi đám đông, không phải là tách biệt theo kiểu tự kỷ, lập dị mà là
tách biệt trong nhận thức.
Đăng nhận xét