TIN MỚI

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRẺ

Nữ bác sĩ Maria Montessori, người đề xướng phương pháp giáo dục trẻ thơ Montessori hiện được áp dụng trên khắp thế giới và cũng là người đã thành lập tổ chức AMI (Association Montessori Internationale) hiện nay.

Chúng ta có thể cụ thể hóa phương pháp giáo dục Montessori bằng ba đỉnh của một hình tam giác với mối quan hệ tương tác mang tính mật thiết, đó là trẻ em, người lớn và môi trường.

Ngoài môi trường vật chất, “môi trường được chuẩn bị” đơn giản, sạch sẽ, có trật tự, được thiết kế với tính thẩm mỹ cao cùng các học cụ mang tính khoa học chính xác, theo tiêu chuẩn mà Maria Montessori đã đề ra, thì trẻ còn cần một môi trường tinh thần cần thiết cho sự phát triển toàn diện để trở thành con người theo đúng nghĩa.
Trong môi trường tinh thần ấy cần có đủ hai yếu tố yêu thương và tự do. Hai yếu tố này đòi hỏi sự tôn trọng ở cả chủ thể lẫn khách thể trong các mối tương quan giữa người với người (giữa trẻ em và người lớn, giữa trẻ em và trẻ em), giữa người với môi trường xung quanh trẻ.

Giai đoạn phát triển đầu tiên của con người, nhất là giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi. Trẻ em ở giai đoạn này có những nét đặc thù: trẻ có bộ óc và tâm thức thấm hút, mẫn cảm với các kích thích giác quan, luôn hành động dưới sự hướng dẫn của những thôi thúc nội tại mãnh liệt. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh về cả thể lực và trí lực. Trẻ củng cố những ấn tượng, kinh nghiệm và ngôn ngữ đã hấp thụ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, hướng tới sự độc lập về vận động, chức năng để tự định hình trí tuệ và nhân cách của bản thân.

Tự do là những gì trẻ trải nghiệm trong sinh hoạt hằng ngày: Trẻ được tự chọn lựa công việc có mục đích, ý nghĩa cho mình và hoàn tất việc ấy trong khoảng thời gian nó cần mà không bị người khác gián đoạn, được tự do sinh hoạt theo nhịp điệu và tốc độ phát triển của bản thân. Trẻ tìm được sự thỏa mãn trong việc trẻ chọn, chứ không phải làm để vừa lòng người lớn. Trẻ được tự do giao tiếp với các trẻ khác trong sinh hoạt của mình.

Nhưng tự do luôn đi đôi với kỷ luật tự giác và tinh thần trách nhiệm: Trẻ tự dọn món học cụ đã chọn, trả nó về chỗ cũ, để một bạn khác đang kiên nhẫn chờ đợi đến phiên dùng.

Yêu thương không phải là từ trên đầu môi chót lưỡi. Trong phương pháp giáo dục này, người lớn không phải là người chỉ huy mà là kẻ kiên nhẫn quan sát, tôn trọng nhịp điệu và tốc độ phát triển của trẻ.

Còn trẻ em thì sao? Trẻ em được thực hành phong cách ứng xử trang nhã và lịch thiệp. Trẻ lớn có thể chỉ dẫn thêm cho trẻ nhỏ, trẻ nhỏ quan sát và học thêm từ trẻ lớn. Trong cái xã hội thu nhỏ này, các em học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này xảy ra tự nhiên, không do người lớn sai bảo hay yêu cầu. Trong môi trường ấy, sự cộng tác được khuyến khích, phần thưởng và sự cạnh tranh bị vắng bóng, cách hành xử với bạo lực, làm tổn thương người khác hay thiệt hại đến môi trường là những điều không được chấp nhận.

Tất cả những điều này đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hai yếu tố tự do và yêu thương trong lĩnh vực giáo dục, phát triển con người từ tấm bé.

Trẻ thơ là những mầm non tương lai của đất nước, là những tảng đá gốc làm nền cho một xã hội hài hòa, một đất nước cường thịnh và một thế giới hòa bình mai sau.
Đầu tư không đúng mức và bỏ qua giai đoạn phát triển này của trẻ là một thiếu xót và sai lầm cơ bản chắc chắn sẽ dẫn đến một hệ lụy trầm trọng khó tháo gỡ. Trẻ thơ phải được phát triển toàn diện trong bầu không khí yêu thương và tự do thì hy vọng về một xã hội hòa bình mới có thể trở thành hiện thực.

Tự do không hiện hữu nhờ xin cho; yêu thương không tồn tại nếu không được ấp ủ và vun trồng. Cả hai cùng đồng hành, cả hai đều đòi hỏi sự trân trọng, nâng niu, nuôi dưỡng tinh tế.


Hy vọng cả nhà sẽ có dịp tìm hiểu thêm về phương pháp giáo dục này và bước đầu có thể ứng dụng nó vào đời sống thường nhật khi tiếp cận với con trẻ. Đó chính là cách tốt nhất mà người lớn chúng ta có thể tích cực góp phần vào việc tạo dựng nên một xã hội hòa bình, bình đẳng và bác ái.

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng