Tôi thích nghĩ bản
thân mình là kiểu người lý trí, nhưng thật ra tôi không được vậy. Tin vui là
không phải chỉ có tôi hoặc bạn, mà mọi người đều phi lý trí như nhau.
Trong suốt một thời
gian dài, các nhà nghiên cứu và các nhà kinh tế học từng tin rằng con người
luôn đưa ra những quyết định logic và có cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vào
những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt những nhầm
lẫn về tâm lý làm sai lệch cách suy nghĩ của chúng ta. Đôi khi, chúng ta có
những quyết định rất logic, nhưng cũng lắm lúc chúng ta đưa ra những quyết định
theo cảm xúc, phi lý trí và khó hiểu.
Những nhà nghiên cứu
hành vi và các nhà tâm lý học rất thích say sưa diễn giải về các kiểu nhầm lẫn
tâm lý khác nhau này. Có đến hàng tá kiểu nhầm lẫn và tất cả đều mang những cái
tên lạ lùng như “Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên” hay “Liên tưởng ngụy biện.”
Nhưng hôm nay tôi không muốn nói về các thuật ngữ khoa học. Thay vào đó, là
những nhầm lẫn tâm lý xuất hiện thường xuyên nhất trong cuộc sống.
1.Thiên lệch kẻ sống sót
Ngày nay, gần như mọi
kênh truyền thông trực tuyến phổ biến đều tràn ngập thiên lệch kẻ sống sót. Bất
cứ nơi nào bạn cũng nhìn thấy những bài viết có tiêu đề như “8 Điều người thành
công thực hiện mỗi ngày” hoặc “Những lời khuyên giá trị nhất mà Richard Branson
từng nhận được” hay “LeBron James tập luyện như thế nào vào mùa thấp điểm”, thì
bạn đang chứng kiến hành vi thiên lệch kẻ sống sót.
Thiên lệch kẻ sống sót
quy về việc chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những người chiến thắng ở
một lĩnh vực nhất định và cố gắng học hỏi từ họ, trong khi hoàn toàn quên mất
những kẻ thua cuộc vốn cũng sử dụng chiến lược y hệt người thắng cuộc.
Có thể có hàng ngàn
vận động viên khác cũng tập luyện theo phương pháp tương tự như LeBron James,
nhưng chưa bao giờ lọt được vào giải NBA (Giải bóng rổ nhà nghề dành cho nam
tại Bắc Mỹ). Vấn đề là không ai trong chúng ta được nghe nói về hàng ngàn vận
động viên chẳng bao giờ đạt được thành công sáng chói, mà chỉ biết đến những
nhân vật “sống sót” mà thôi. Chúng ta mắc sai lầm ở chỗ đánh giá quá cao những
chiến lược, phương thức và các lời khuyên của một người “sống sót” nào đó,
trong khi phớt lờ sự thật rằng đối với hầu hết mọi người thì những chiến lược,
phương thức và các lời khuyên đó không hiệu quả.
Một ví dụ khác: “Cả
Richard Branson, Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học giữa chừng và trở
thành tỷ phú! Bạn không cần phải đi học để thành công. Các doanh nhân chỉ cần
thôi không lãng phí thời gian ngồi trong lớp và bắt đầu khởi nghiệp.”
Hoàn toàn có thể nói
rằng, Richard Branson đã thành công dù không học đến nơi đến chốn, nhưng việc
bỏ học không phải nguyên nhân khiến ông thành công. Cứ mỗi Branson, Gates,
Zuckernerg, thì lại có hàng ngàn doanh nhân khác với các dự án thất bại, những
tài khoản nợ ngập đầu và những bằng cấp dở dang. Thiên lệch kẻ sống sót không
chỉ nói lên rằng một chiến lược nào đó có thể không hiệu quả với bạn, mà còn
cho thấy chúng ta không thực sự biết liệu nó có đem lại hiệu quả hay không.
Khi người thắng cuộc
thì được nhớ đến còn kẻ thua cuộc thì bị lãng quên, rất khó có thể khẳng định
liệu một chiến lược nào đó có thể dẫn đến thành công hay không.
2. Nỗi sợ mất mát
Nỗi sợ mất mát là
khuynh hướng chúng ta muốn né tránh mất mát nhiều hơn là đạt được lợi ích.
Nghiên cứu cho thấy, khi bạn được ai đó cho 10 đô thì cảm giác thỏa mãn của bạn
sẽ tăng lên chút ít, nhưng nếu bạn làm mất 10 đô thì cảm giác thỏa mãn của bạn
sẽ giảm xuống đáng kể. Đúng, hai phản ứng trái ngược nhau, nhưng tầm quan trọng
của nó không như nhau.
Khuynh hướng né tránh
mất mát khiến chúng ta quyết định thiếu sáng suốt và thay đổi hành vi của mình
đơn giản chỉ để giữ lại những gì mình có. Chúng ta mặc nhiên cảm thấy cần bảo
vệ những thứ thuộc sở hữu của chính ta, và điều này có thể khiến chúng ta đánh
giá quá cao những thứ đó so với các lựa chọn khác.
Ví dụ, việc mua một
đôi giày mới có thể giúp bạn hài lòng hơn một chút. Nhưng vài tháng sau, việc
phải cho đi đôi giày đó có thể làm bạn thấy cực kỳ xót của ngay cả khi bạn chưa
mang nó lần nào. Bạn chưa bao giờ mang đến đôi giày, nhưng vì một số lý do mà
bạn không thể chịu đựng việc từ bỏ nó. Đây chính là nỗi sợ mất mát.
Tương tự, bạn có thể
thấy sung sướng đôi chút khi băng băng lướt qua đèn xanh trên đường đi làm,
nhưng bạn sẽ ngay lập tức phát bực khi bị chiếc xe chạy phía trước làm bạn lỡ
mất cơ hội vượt qua giao lộ. Việc mất cơ hội đi kịp đèn xanh khiến bạn khó chịu
gấp bội so với cảm giác khoan khoái bắt kịp đèn xanh ngay từ ban đầu.
3. Ảo tưởng về sự sẵn có
Ảo tưởng về sự sẵn có
đề cập đến một sai lầm mà não bộ chúng ta thường gặp phải khi cho rằng những sự
việc dễ dàng đi vào tâm trí cũng đồng thời là những sự việc quan trọng nhất
hoặc thường xảy ra nhất.
Ví dụ, nghiên cứu được
thực hiện bởi giáo sư Steven Pinker tại Đại học Harvard cho thấy con người đang
sống trong thời điểm ít xảy ra bạo lực nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ số
người được sống trong hòa bình nhiều như thời điểm hiện nay. Tỷ lệ giết người,
cưỡng bức, quấy rối tình dục và ngược đãi trẻ em đều đang giảm.
Hầu hết mọi người đều
kinh ngạc khi nghe số liệu thống kê này. Một số người vẫn không muốn tin. Nếu
đây là thời điểm hòa bình nhất trong lịch sử, vậy tại sao ngay lúc này vẫn có
quá nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra? Tạo sao mỗi ngày tôi vẫn nghe tin tức
về các vụ cưỡng bức, giết người và phạm tội? Tại sao ai ai cũng xôn xao về bao
nhiêu là hoạt động khủng bố và hủy diệt?
Chào mừng bạn đến với
ảo tưởng về sự sẵn có!
Lời giải đáp cho những
câu hỏi trên đó là, chúng ta không chỉ đang sống trong thời điểm hòa bình nhất
trong lịch sử, mà còn trong thời điểm có hoạt động truyền thông mạnh mẽ nhất
trong lịch sử. Thông tin về bất cứ thảm họa hoặc tội ác nào cũng được truyền
tải lan rộng hơn bao giờ hết. Chỉ cần tìm thông tin nhanh trên Internet là bạn
sẽ thấy hàng loạt thông tin về hoạt động khủng bố, nhiều hơn bất cứ tờ báo có
thể đưa tin cách đây 100 năm.
Tỉ lệ phần trăm nói
chung của những sự kiện nguy hiểm đang giảm xuống, nhưng khả năng bạn biết về
một trong số những sự kiện đó lại tăng lên. Và chính bởi những sự kiện này luôn
sẵn sàng đi vào tâm trí chúng ta, não bộ cho rằng nó diễn ra với tần suất cao
hơn thực tế.
Chúng ta quá xem trọng
và đánh giá quá cao tác động của những gì mình nhớ được, đồng thời xem thường
và đánh giá thấp mức độ phổ biến của những gì mình không hề hay biết.
4. Hiệu ứng NEO
Gần thị trấn quê tôi
có một tiệm hamburger nổi tiếng dùng bánh và các loại pho-mát chất lượng cao.
Trên thực đơn, họ in một câu tô đậm như sau, “GIỚI HẠN 6 LOẠI PHO-MÁT CHO MỖI
CÁI BURGER.”
Thoạt đầu tôi nghĩ:
“Ngớ ngẩn thật. Ai lại ăn sáu loại pho-mát trong một cái burger cơ chứ?” Sau đó
tôi nghĩ lại: “Mình sẽ chọn sáu loại nào nhỉ?”
Tôi đã không nhận ra
sự khôn khéo của những người chủ tiệm cho đến khi biết về hiệu ứng neo. Bạn
thấy đấy, bình thường tôi chỉ chọn một loại pho-mát cho bánh burger của mình,
nhưng khi tôi đọc dòng chữ “GIỚI HẠN 6 LOẠI PHO-MÁT” trên thực đơn, thì tâm trí
tôi đã bị “neo” vào một con số cao hơn nhiều so với bình thường.
Hầu hết mọi người sẽ
không gọi sáu loại pho-mát, nhưng cái “neo” trên thực đơn đã đủ khiến họ nâng
con số trung bình từ một lát lên hai hoặc ba lát pho-mát và trả thêm 2 đô cho
mỗi cái burger.
Hiệu ứng này đã được
dùng đi dùng lại nhiều lần trong nhiều cuộc nghiên cứu lẫn trong môi trường
thương mại. Ví dụ, các chủ doanh nghiệp phát hiện ra rằng, khi họ bảo “Giới hạn
12 sản phẩm mỗi khách hàng” thì khách hàng sẽ mua sản phẩm nhiều gấp đôi so với
khi họ bảo “Không giới hạn số lượng sản phẩm.”
Trong một nghiên cứu,
các tình nguyện viên được yêu cầu đoán phần trăm quốc gia châu Phi thuộc Liên
Hiệp Quốc. Nhưng trước khi đoán, họ phải quay một vòng quay mà chỉ có hai con
số là 10 hoặc 65. Khi các tình nguyện viên quay được số 65, trung bình dự đoán
của họ là khoảng 45%. Khi các tình nguyện viên quay được số 10, trung bình dự
đoán của họ là khoảng 25%. 20% chêch lệch đơn giản là kết quả của việc “neo” dự
đoán của các tình nguyện viên vào một con số cao hơn hoặc thấp hơn mà họ vừa
nhìn thấy trước đó.
Có lẽ bạn biết về hiệu
ứng neo nhiều nhất là trong việc định giá. Nếu một chiếc đồng hồ mới ghi giá là
500 đô-la, có thể bạn sẽ cho rằng mức giá này quá cao đối với ngân sách của
mình. Tuy nhiên, nếu bạn bước vào một cửa hàng và thứ đầu tiên bạn nhìn thấy là
một chiếc đồng hồ trị giá 5.000 đô-la ngay trên kệ trước mặt, thì bất chợt bạn
sẽ thấy chiếc đồng hồ có giá 500 đô-la ở góc bên kia có vẻ cũng khá phải chăng.
Các doanh nghiệp không bao giờ kỳ vọng bán những sản phẩm cao cấp với số lượng
nhiều, mà thay vào đó, những sản phẩm này giữ vai trò rất quan trọng trong việc
“neo” tâm trí khách hàng, và khiến những sản phẩm tầm trung trông có vẻ rẻ hơn
nhiều so với khi nó đứng một mình.
5. Thiên lệch xác nhận
Thiên lệch xác nhận
nói về xu hướng chúng ta tìm kiếm và ưa chuộng những thông tin phù hợp với các
niềm tin của mình, đồng thời phớt lờ và đánh giá thấp những thông tin mâu thuẫn
với các niềm tin ấy.
Ví dụ, người A tin
rằng khí hậu thay đổi là một vấn đề nghiêm trọng. Anh ta chỉ tìm kiếm và đọc
những tin tức liên quan đến các cuộc đàm luận về môi trường, hiện tượng thay
đổi khí hậu và năng lượng tái tạo. Kết quả là người A tiếp tục xác nhận và củng
cố những niềm tin hiện tại của anh ta.
Trong khi đó, người B
không tin rằng khí hậu thay đổi là vấn đề nghiêm trọng. Anh ta chỉ tìm kiếm và
đọc các bài viết về nguyên nhân tại sao thay đổi khí hậu chỉ là sự ngộ nhận,
hoặc tại sao các nhà khoa học sai lầm và tất cả chúng ta đang bị lừa ra sao.
Kết quả là người B tiếp tục xác nhận và củng cố các niềm tin hiện tại của anh
ta.
Thay đổi tư duy là nói
dễ hơn làm. Bạn càng tin rằng mình biết một điều gì, bạn càng sàng lọc và phớt
lờ mọi thông tin trái ngược với niềm tin đó.
Bạn có thể mở rộng xu
hướng tư duy này ra gần như bất kỳ chủ đề nào. Nếu bạn mới mua một chiếc BMW và
tin rằng nó là chiếc xế hộp “đỉnh” nhất trên thị trường, thì một cách tự nhiên,
bạn sẽ đọc bất cứ bài viết nào bạn thấy ca ngợi chiếc BMW. Trong khi đó, nếu
một tờ tạp chí đăng một chiếc xe khác là “lựa chọn tốt nhất của năm,” bạn sẽ
đơn giản bỏ qua tạp chí đó và cho rằng ban biên tập đã sai lầm, hoặc họ tìm
kiếm thứ khác với thứ bạn tìm kiếm ở một chiếc xế hộp.
Xu hướng tự nhiên của
chúng ta không phải là đưa ra một giả thuyết rồi kiểm tra giả thuyết đó theo
nhiều cách khác nhau để chứng minh là nó sai. Thay vào đó, nhiều khả năng là
chúng ta sẽ hình thành một giả thuyết, cho rằng nó đúng, và chỉ tìm kiếm cũng
như tin tưởng những thông tin ủng hộ giả thuyết của mình. Hầu hết mọi người đều
không muốn biết những thông tin mới, họ chỉ muốn xem những thông tin xác nhận
điều họ tin.
Lời kết
Khi bạn đã hiểu về một
số nhầm lẫn tâm lý phổ biến mà tôi trình bày ở trên, phản ứng đầu tiên của bạn
sẽ đại loại như, “Tôi muốn ngưng điều đó lại! Làm thế nào tôi có thể ngăn không
cho não bộ phạm phải những nhầm lẫn như thế?”
Đây là một câu hỏi hợp
lý, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy đâu. Thay vì nghĩ những tính
toán sai lầm này là dấu hiệu của một bộ não có vấn đề, bạn nên xem nó là chứng
cứ cho thấy không phải lúc nào việc bộ não dùng những cách thức nhanh chóng để
xử lý thông tin cũng đều hữu dụng. Có nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày
mà những chức năng tâm lý trên cực kỳ hữu ích. Bạn sẽ không muốn loại bỏ những
cơ chế tư duy đó đâu.
Vấn đề là bộ não chúng
ta thực hiện những chức năng này quá “điêu luyện”, nó lẩn vào các lối tư duy
quá nhanh chóng và dễ dàng đến nỗi cuối cùng chúng ta sử dụng những lối tư duy
đó trong những tình huống không có lợi cho ta.
Trong những trường hợp
như vậy, tự nhận thức bản thân thường là phương án lựa chọn tốt nhất. Hy vọng
rằng bài viết này sẽ giúp bạn phát hiện những nhầm lẫn tâm lý của mình khi nó
diễn ra lần tới.
James Clear
Đăng nhận xét