Chu Mộng Long – Bản sơ thảo về cặp phạm trù Văn hóa/ Tự nhiên. Văn hóa không phải
là thứ cố định mà là một tiến trình. Sự tương tác giữa các khác biệt là động
lực của phát triển. Không có chuyện quay về những cái cổ xưa, lỗi thời để mặc
định là văn hóa truyền thống hay duy trì bản sắc.
Hiện tại có đến vài trăm định nghĩa về văn hóa
tùy theo đối tượng trong các công trình nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên,
không phải vì thế mà hiểu thế nào cũng được, rằng văn hóa là tất cả những gì
con người tạo ra.
Công trình nào cũng có giới hạn đối tượng và
phạm vi của nó chứ không phải tùy tiện. Nhưng cách sử dụng từ “văn hóa” trong
tiếng Việt đã lạm phát đến mức báo động.
Trường hợp lạm phát thứ nhất, người ta xem
văn hóa là tất cả, những gì tùy tiện nhất đều có thể khoác lên nó chiếc mặt nạ
văn hóa. Chẳng hạn, tranh cướp trong các lễ hội thành “tranh cướp văn hóa”,
chém giết động vật (như chém heo, đâm trâu) thành “chém văn hóa”… Cho đến một
hành vi hối lộ cũng được xem là “văn hóa biếu xén”, một cố tật nói ngọng cũng được xem là “văn
hóa địa phương”.
Trường hợp lạm phát thứ hai, người ta xem văn
hóa là sản phẩm chính thống để đào thải văn hóa phi chính thống. Với cách nhìn
này, những mặc định theo cấm kị là văn hóa mà phản kháng là vô văn hóa. Chẳng hạn, những gì thuộc về
dân gian đều xem là phản văn hóa, đến mức tiếng mẹ đẻ cũng bị xem là vô văn hóa
buộc phải dùng tiếng nói dân tộc khác để thay thế như một sự mặc cảm nô dịch.
Trường hợp lạm phát thứ ba, người ta xem văn hóa
là những gì xưa cũ với mưu toan phục dựng truyền thống để đưa cộng đồng ngược
dòng lịch sử trở về cái gọi là bản sắc hay cội nguồn. Những lễ hội man di,
những hủ tục đồng bóng lỗi thời đều được xem là văn hóa. Tôi từng nói, cứ đà
này, đến lúc người ta đem tế sống gái đồng trinh cho Hà Bá và tôn vinh các thầy
mo thành những ông vua siêu quyền lực.
Không chỉ lạm phát trong đời sống mà còn lạm
phát trong nghiên cứu khoa học. Hàng trăm công trình thạc sĩ, tiến sĩ đều gán
cái đuôi văn hóa như một cái mode thời thượng, trong khi người thực hiện công
trình không rõ văn hóa là cái gì, thuộc văn hóa nào.
Văn hóa, gốc Latin “Cultus”, nghĩa là gieo trồng. Con người
làm ra giá trị vật chất và chuyển giá trị vật chất thành tinh thần trong cái
cây lịch sử mà toàn bộ quá trình tiến hóa loài người đã hình thành với khát
vọng từ bóng tối vươn ra ánh sáng, từ hỗn mang vươn đến trật tự, từ bầy đàn
vươn đến tự do khai phóng.
Cấu trúc luận đã tạo ra cái nhìn nhị phân, đối
lập văn hóa/ tự nhiên như là đối lập giữa quy tắc và phổ quát dẫn đến đối lập
văn hóa chính thống và phi chính thống. Cái nhìn
này có gốc gác từ siêu hình học truyền thống khi tạo ra ranh giới giữa Tục và
Thiêng. Tục nghĩa gốc thuộc về những gì trần tục của loài người, còn Thiêng
thuộc về thiên đường của thần thánh. Siêu hình học quan niệm, khi con người bị
đày xuống trần gian, những gì thuộc trần tục bị cấm kị để thực hiện nhu cầu giải
thoát và trở về nguồn gốc thần thánh. Sự cấm kị này được thực hiện cực đoan từ
hành vi đến lời nói: cấm dục, diệt dục, kể cả cấm nói tục.
Phân tâm học xem văn hóa là sự điều chỉnh giữa
tự nhiên và cấm kị (taboo), hợp thức hóa cái tự nhiên trong các quan hệ xã hội
đặc thù. Trong cách nhìn này, văn hóa không hoàn toàn đối lập với tự
nhiên mà chỉ là sự dịch chuyển tự nhiên thành các biểu trưng. Phân tâm học
không chủ trương cấm dục hay diệt dục mà dùng hình thức thay thế như một hoạt
động giải phóng năng lượng và thăng hoa của sáng tạo. Không thể nói Hồ Xuân
Hương không tục mà thậm chí rất tục bởi các biểu trưng trong thế giới nghệ
thuật ấy mang đậm sắc dục của cuộc sống trần tục.
Giải cấu trúc kế thừa Phân tâm học bằng cách
tháo dỡ sự đối lập nhị phân của siêu hình học và Cấu trúc luận trong cái nhìn
đa nguyên về tính khác biệt và tương tác giữa các hệ thống văn hóa. M. Bakhtin
là người đầu tiên quyết liệt chống lại lối tư duy này khi vạch ra sự tương tác
giữa văn hóa chính thống và phi chính thống thông qua hai loại hình lời nói
trang nghiêm và giễu cợt, ngợi ca và trào tiếu. Even Zohar cho rằng, văn hóa có
tính chất đa hệ thống, đa trị. Chính thống chẳng qua là một ước lệ về các trung
tâm thống trị và chính nó tạo ra sự phân biệt kì thị giữa trung tâm và ngoại
biên; trong khi những gì thuộc về ngoại biên lại năng động và đầy sáng tạo có
khả năng tác động ngược làm thay đổi các trung tâm tưởng chừng cố định. Văn hóa
dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số, lưu vong… là những điển hình. Những nhà
giải cấu trúc về sau như R. Barthes, M. Foucault, J. Derrida, F. Lyotard… vạch
trần bản chất giả tạo của văn hóa chính thống, xem văn hóa chính thống chỉ là
ngụy ước của trò chơi quyền lực và tri thức. Barthes vạch trần sự “đánh đĩ ngôn
từ” của huyền thoại thực dân. M.Foucault vạch trần sự hàm hồ của quyền lực áp
đặt thành thứ tri thức giả tạo bằng sự phân biệt lí trí và chứng điên. J.
Derrida nói, các trung tâm chỉ là giả tạo, nó luôn bị phát tán thành cái khác,
“trung tâm, vì thế, không là trung tâm”. Còn F. Lyotard chỉ ra thế giới chúng
ta đang sống chỉ là những bản thế vì (substitute), văn hóa xét đến cùng chỉ là
cái ảo trong trò chơi ảo vô tận. Chính trò chơi ảo ấy, con người thực
hiện những cuộc hủy-tạo liên tục để vươn tới tự do khai phóng tinh thần thoát
khỏi sự kiểm soát hay nô dịch của các trung tâm quyền lực mà nó ngụy trang là
chân lí, là vẻ đẹp của mode đồng phục (uniform mode).
Văn hóa, dưới góc nhìn ấy, không phải là thứ cố
định mà là một tiến trình. Sự tương tác giữa các khác biệt là động lực của phát
triển. Không có chuyện quay về những cái cổ xưa, lỗi thời để mặc định là văn
hóa truyền thống hay duy trì bản sắc.
Các chỉ báo văn hóa phản ánh trình độ của tiến
trình văn hóa. Một dân tộc luôn lấy cái cổ xưa đã lỗi thời làm chuẩn mực chỉ có
thể là dân tộc không chịu phát triển.
Như vậy, văn hóa xét đến cùng là sự dịch chuyển
tự nhiên thành sáng tạo. Nó là trò chơi nằm giữa tự do và cấm kị. Mọi sự tự do
tùy tiện đến hoang dã không là văn hóa. Ngược lại, mọi cấm kị đến khắt khe tiêu
diệt toàn bộ sự tự do sáng tạo của con người là ngụy văn hóa. Nó đơn giản như
tôi từng viết, văn hóa tồn tại như là quan hệ giữa cái quần và cái trong quần.
Hai cái này không phủ định để loại trừ nhau mà là quan hệ biện chứng để phát
triển lành mạnh. Cái trong quần là tự do của hạnh phúc trần tục, nhưng chính
cái quần lại điều chỉnh nó vào tất yếu khi nó không thể phát dục một cách tùy
tiện hoang dã gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Cũng như thế, cần nói rộng ra, rằng
ỉa đái bình đẳng với ăn uống như hai nhu cầu dị hóa và đồng hóa tự nhiên. Không
có lí do gì phải phân biệt đến kì thị, rằng ăn uống là trung tâm, thuộc văn hóa
(mang danh là văn hóa ẩm thực), còn ỉa đái chỉ là ngoại biên, không được xếp
vào danh mục văn hóa nào dẫn đến cả cộng đồng phải sống chung với sự tùy tiện
bẩn thỉu. Người ta còn kì thị đến mức ngôn ngữ của nó cũng bị cấm kị và rơi vào
nghịch lí: không được nói đến ỉa đái nhưng lại tràn ngập khẩu hiệu: cấm đái, cấm ỉa. Trong khi cả hai
mặt: ăn uống tham lam, bẩn thỉu cũng như ỉa đái tùy tiện mất vệ sinh đều là vô
văn hóa. Ngược lại, ăn uống đúng mực, ỉa đái đúng chỗ là văn hóa trong nghĩa xã
hội đầy đủ của nó. Con người hơn động vật ở chỗ “giáo hóa dĩ thành văn” (Kinh Dịch), nó biết chuyển nhục dục
thành tinh thần, khoái lạc thành sáng tạo. Với tinh thần ấy, văn hóa vận động
liên tục trong trò chơi hủy-tạo của con người. Trong thế giới mở đa chiều, đa
nguyên với tương tác của những khác biệt, thế giới vận động ở nghĩa tích cực
nhất mà con người đang hướng đến vì tương lai hơn là quay về quá khứ để tự
sướng, tự mãn trong đống tro tàn.
Cần nhắc lại, văn hóa không đồng nghĩa với “đánh
đĩ ngôn từ” – từ dùng của nhà kí hiệu học R. Barthes. K. Marx nói, chân lí là
sự thật, không nói thẳng được vào sự thật không vào giờ tiếp cận được chân lí.
Chu Mộng Long
23.11.2016
Đăng nhận xét