TIN MỚI

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

PHÁT HIỆN NGOẠI TÌNH - CÁCH PHÒNG CHỐNG

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng gặp rất nhiều người quyến rũ. Điều gì khiến cho một số người có thể kháng cự lại được trước sự cám dỗ của những người quyến rũ trong khi 1 số khác thì lại đầu hàng ? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố như cơ hội, sự tổn thương, sự cam kết và những giá trị. Nhà tâm lý học Frank Pittman từng nói “ Tình yêu không thể bảo vệ con người khỏi những ham muốn.”
Cần lưu ý rằng , có nhiều người không có thời gian cho gia đình nhưng họ vẫn tìm được thời gian cho người tình. Cơ hội ngoại tình có ở khắp mọi nơi. Công sở trong xã hội hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho việc ngoại tình. Phụ nữ ngày nay ngoại tình nhiều hơn trước đây.
Được truyền cảm hứng bởi làm việc nhóm và chia sẻ chung nhiệm vụ, tình yêu công sở thường bắt đầu khi áp lực của thời hạn 1 công việc kích hoạt adrenaline giữa 2 người và họ lầm tưởng đó là sự kích thích tình dục. Sự căng thẳng và phấn khích khi làm việc cùng nhau trong thời gian dài do đòi hỏi của những dự án có thể làm thay đổi hóa chất tình dục giữa 2 con người.
“Cơ hội ngoại tình “ là yếu tố căn bản của việc xảy ra ngoại tình.
Hiện tượng “Cốc cafe” theo nghiên cứu của Fred Humphrey là khi 2 người đã có gia đình bắt đầu gặp nhau khi giải lao để uống cafe. Họ tìm kiếm những cơ hội để giải lao và nói chuyện. Họ nhanh chóng gặp nhau thường xuyên và những cuộc nói chuyện dần dần thân mật hơn khi họ chia sẻ những chi tiết về đời sống cá nhân. Và chẳng bao lâu, họ không thể sống được nếu thiếu cốc cafe. Rõ ràng là họ nghiện buổi nói chuyện có tính thấu cảm hơn là cafe.
Phụ nữ ngoại tình thường tách khỏi cuộc hôn nhân của cô ấy trước khi ngoại tình. Ngược lại, đàn ông thường xa lánh gia đình như là hậu quả của việc ngoại tình.
Trong 1 nghiên cứu của Michael Wiederman, 80% đàn ông và phụ nữ từng ngoại tình nói rằng việc ngoại tình luôn luôn là sai trái.
Bạn đừng tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi bạn ở với người đó. Vì ngoại tình thường bắt đầu trong tâm trí. Khúc dạo đầu thường bao gồm việc tưởng tượng bản thân ở một mình… thỏa mãn trí tò mò… mùi vị của sự gần gũi …hy vọng về sự phấn khích.
Hiểu rằng sự quyến rũ là bình thường. Vì bạn cảm thấy mình bị quyến rũ không có nghĩa là bạn phải hành động theo cảm xúc đó. Bị một ai đó quyến rũ không có nghĩa là bạn chọn lựa ở với người đó.
Một phương pháp hữu hiệu để biết liệu một mối quan hệ nào đó là tình bạn bình thường hay là 1 cuộc ngoại tình , đó là mức độ thân mật và bí mật.
Sự thân mật về cảm xúc là mối gắn kết mạnh mẽ nhất. Một cuộc ngoại tình được đặc trưng bởi sự chia sẻ trọn vẹn về cảm xúc và tình dục thì cực kỳ mạnh mẽ. Những mối quan hệ mà ở đó tình dục xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu thì thường ít chiều sâu về cảm xúc hơn là khi tình dục bị trì hoãn. Đó là lý do tại sao những tình bạn được xây dựng trên cơ sở cảm xúc và tình cảm trước khi trở thành mối quan hệ tình ái thì nó thường có sự gắn bó cảm xúc sâu sắc.
Trong mẫu nghiên cứu lâm sàng, 83% phụ nữ và 58% đàn ông đã từng ngoại tình nói rằng họ có sự gắn bó cảm xúc mạnh mẽ và cực kỳ sâu sắc với người thứ ba.
Vì vậy, khi người đàn ông có quan hệ tình dục với người phụ nữ thứ ba mà họ chia sẻ với nhau sự gắn kết về cảm xúc, thì sự đe dọa đối với cuộc hôn nhân là rất lớn và khả năng ly hôn cao. Nhưng nếu ngoại tình được duy trì chủ yếu bằng tình dục thì nó hiếm khi là mối đe dọa đến sự bền vững của hôn nhân trừ khi bị phát hiện (nhưng ngoại tình chủ yếu chỉ có tình dục thì ít có khả năng bị phát hiện).
Trong mẫu nghiên cứu lâm sàng, những người đàn ông ngoại tình chủ yếu về tình dục thì thỏa mãn với cuộc hôn nhân của mình ngang với những người đàn ông không ngoại tình. Tuy nhiên, phụ nữ ngoại tình thường ít hạnh phúc hơn với hôn nhân so với những phụ nữ không ngoại tình.
Phụ nữ nhìn chung thường bắt đầu ngoại tình bằng sự gắn kết cảm xúc mà nó có thể hoặc không bao gồm việc quan hệ tình dục. Nhưng phụ nữ ngoại tình có dính đến quan hệ tình dục thì có khả năng cô ấy yêu người thứ ba. Đây là một trong những lý do gắn liền với sự thỏa mãn thấp trong hôn nhân và dễ dẫn đến việc ly hôn.
Những dấu hiệu cảnh báo việc ngoại tình
1.    Sự riêng tư: nhiều cuộc điện thoại riêng tư, thức dậy trễ hoặc sử dụng máy tính sau khi mọi người đã đi ngủ;
2.    Thời gian biểu: dành nhiều thời gian ra khỏi nhà, thời gian làm việc kéo dài, nhiều cuộc họp buổi tối và cuối tuần;
3.    Sở thích: bất ngờ có 1 sở thích mới không muốn chia sẻ với bạn;
4.    Những thói quen cá nhân: ám ảnh với hình thể bản thân, đột ngột thay đổi kiểu tóc hoặc cách ăn mặc, nỗ lực giảm cân bao gồm việc thay đổi thói quen ăn uống hoặc tập thể dục, mua nhiều đồ lót mới gợi cảm;
5.    Con cái: sự chú ý không nhất quán đối với con cái, thỉnh thoảng nổi giận hoặc mất kiên nhẫn với chúng và thỉnh thoảng chú ý quá mức đến chúng;
6.    Tiền bạc: chi nhiều tiền cho việc ăn nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ hoặc quà cáp;
7.    Tương tác cá nhân với bạn đời: thỉnh thoảng chối từ hoặc chỉ trích bạn đời, tạo ấn tượng là anh (cô) ấy muốn ở 1 mình và không muốn nói chuyện hoặc đụng chạm;
8.    Đời sống xã hội: những người ngoại tình đều nói dối, ít hay nhiều. Nói dối, lừa dối không phải là một vấn đề đơn giản. Một người nói dối có thể bị thúc đẩy bởi nhiều cảm xúc và nhiều ý định, từ ác ý đến tử tế. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ảnh hưởng của một lời nói dối ác ý có thể gây nên đau khổ cho 1 người hoặc nhiều người. Nhưng những mối quan hệ của con người không thể luôn luôn chịu được những sự thật trần trụi. Việc nói thật trong mọi hoàn cảnh có thể cho thấy sự thiếu vắng tính nhạy cảm và tử tế.
Những cách thức phát hiện việc ngoại tình
1.    Thú nhận
Việc thú nhận ngoại tình có thể xuất hiện sau vài tháng bị buộc tội và chối bỏ. Có nhiều lý do khiến người ngoại tình chọn cách thú nhận ngoại tình. Việc thú nhận nhằm tăng cường mối quan hệ sẽ khác với việc thú nhận nhằm phá hủy hôn nhân hiện tại. Một số người ngoại tình tự thú với bạn đời nhằm trừng phạt người bạn đời vì không đáp ứng được những nhu cầu của họ.
2.    Người cung cấp thông tin ngoại tình
Một người bạn, nếu đây là nguồn thông tin đáng tin cậy; Nguồn thông tin nặc danh, khi người cung cấp thông tin ngoại tình là một giọng nói trên điện thoại hoặc một bức thư vô danh , bạn sẽ không thể biết được ý định của họ và sự đáng tin; Người thứ ba cung cấp thông tin.
3.    Phát hiện tình cờ
Khi việc ngoại tình bị tiết lộ hoặc bị phát hiện, người bị phản bội cảm thấy bị tổn thương. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào bản chất của sự phản bội và cách phát hiện ra nó.
Phản ứng của người bị phản bội
– Tê liệt về cảm xúc;
– Tức giận;
– Ám ảnh: Người bị phản bội thường xem xét liên tục về khoảng thời gian trong cuộc đời họ mà việc ngoại tình có khả năng diễn ra. Ngay cả khi họ đi ngủ, đầu óc họ vẫn bị chìm ngập bởi những hình ảnh, những ký ức và những câu hỏi chưa có câu trả lời. Suốt cả ngày, họ kiểm tra lịch , tìm kiếm những phần còn thiếu, cố gắng lý giải điều gì đã xảy ra;
– Tra hỏi: họ muốn biết mọi việc ngay lập tức đến khi nào họ tin rằng mình đã khám phá ra tất cả những bí mật và những lời nói dối.
Phản ứng của người phản bội
– Tức giận: Họ hiểu người bạn đời đang đòi hỏi những bằng chứng cụ thể của việc ngoại tình. Những người khác thì công kích lại bạn đời như thể việc bị tra hỏi còn tệ hơn việc ngoại tình;
– Mất kiên nhẫn: Người phản bội có thể muốn làm điều gì đó đúng đắn và sửa lỗi, nhưng họ không muốn tiết lộ quá nhiều về việc họ lừa dối như thế nào. Họ cảm thấy thất vọng bởi việc liên tục bị tra hỏi về chi tiết và tìm kiếm manh mối từ người bạn đời. Họ cảm thấy nghẹt thở vì thiếu không gian riêng tư và tự do cá nhân;
– Đau buồn: khi chứng kiến nỗi buồn của người bị phản bội liên quan đến việc ngoại tình. Nỗi đau buồn cũng có thể được xem là bằng chứng về cuộc tình bất hợp pháp đã kết thúc thật sự. Họ bị buộc phải hỏi mình những câu hỏi đáng sợ như Liệu tôi sẽ đánh mất người bạn đời và cuộc hôn nhân của tôi ? Liệu tôi sẽ đánh mất người thứ ba và cuộc phiêu lưu tình ái của chúng tôi ? Liệu tôi có thể cảm thấy tốt khi ở với người bạn đời giống như khi tôi ở với người thứ ba ?
Khi mới bắt đầu trị liệu hôn nhân, theo nghiên cứu lâm sàng, những người vợ phản bội thường lo âu và trầm cảm nhiều hơn những ông chồng phản bội : 32% số người vợ phản bội cảm thấy lo sợ cực kỳ hoặc nghiêm trọng , so với 10% số ông chồng phản bội; 27% số người vợ phản bội và 14% số ông chồng phản bội bị trầm cảm về mặt lâm sàng.
Phản ứng của người thứ 3
Nếu bạn là người thứ ba, có lẽ bạn không thể tin rằng ngoại tình đã kết thúc. Một số người thứ ba vui mừng khi chuyện tình của họ bị phát hiện. Họ tin rằng sự thật này sẽ buộc người yêu của mình chọn lựa. Họ có thể đã được người yêu cam đoan là đang lên kế hoạch rời bỏ người bạn đời ngay khi những đứa con của họ đi học hoặc việc kinh doanh vững chắc. Người thứ ba đã mơ tưởng về một cuộc sống cùng nhau, viễn cảnh về mái nhà bình yên và cùng nhau xây dựng gia đình.
Việc từ bỏ giấc mơ này là rất khó. Nhưng bạn cần nhận ra rằng một ai đó khi lừa dối người bạn đời của mình thì họ cũng có thể đang lừa dối bạn.
Việc người thứ ba phản ứng như thế nào khi việc ngoại tình bị tiết lộ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như Những gì mà họ hy vọng, mức độ cam kết, và cách thức người yêu của họ xử lý cuộc khủng hoảng này. Những phản ứng điển hình có thể là sự phá hoại đến sự hối lỗi một phần và sự giải tỏa. Khi chuyện ngoại tình bị tiết lộ, nó có thể là một nỗi đau nhưng là một bước cần thiết đi đến giải pháp.
Thông thường nhất thì , những người thứ ba phải chịu đựng nỗi bất hạnh to lớn. Họ phải đối mặt với sự không chắc chắn và có ít khả năng kiểm soát trước những hậu quả hơn bất kỳ ai khác. Thêm vào đó, họ phải đối diện với khả năng đánh mất mãi mãi chuyện tình cảm và người yêu của họ. Một người phụ nữ độc thân khi quan hệ tình cảm với một người đàn ông đã kết hôn thì cô ấy có thể đã bỏ qua nhiều cơ hội tình cảm khác với hy vọng rằng chuyện tình hiện tại có thể chuyển thành hôn nhân. Cô ấy có thể không chấp nhận bị từ chối dễ dàng bởi vì cô ấy chỉ còn lại những hy vọng sai lầm và những lời thất hứa.
Các nghiên cứu đã phát hiện thấy, chỉ có một tỷ lệ cực thấp ngoại tình sẽ chuyển thành hôn nhân. Annette Lawson phát hiện thấy chỉ có 10% những người ngoại tình rời bỏ cuộc hôn nhân hiện tại bởi vì người thứ ba và tái hôn với người đó.
Tại sao 1 số người lại bị tổn thương nhiều hơn những người khác trong vấn đề ngoại tình?
Mức độ trầm trọng của tổn thương tâm lý được quyết định bởi:
1.    Cách thức phát hiện ra việc ngoại tình;
2.    Những giả định bị phá vỡ;
3.    Những tổn thương về mặt cá nhân và hoàn cảnh;
4.    Bản chất của sự phản bội;
5.    Liệu những đe dọa sự phản bội có thể tiếp tục trong tương lai;
Những yếu tố trên tương tác với nhau sẽ quyết định đến cường độ, phạm vi và sự kéo dài của những phản ứng trước chấn thương tâm lý.
Những giả định bị phá vỡ: Tất cả chúng ta đều có những giả định về những mối quan hệ của mình, về người bạn đời của mình và về bản thân mình. Những giả định của chúng ta đem lại cho ta một bản đồ về nhân cách của người bạn đời và những phẩm chất đạo đức dự đoán việc anh (cô) ấy sẽ hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh phải thỏa hiệp. Chúng ta bị tổn thương khi những giả định của mình bị phá vỡ, bởi vì sự an toàn, khả năng dự đoán về thế giới của chúng ta không còn được an toàn hoặc dễ đoán nữa.
Những giả định cơ bản của chúng ta đem lại một tập hợp các chỉ dẫn hoạt động cho cuộc sống. Chúng bắt nguồn từ bản sắc của chúng ta, cho phép chúng ta thương lượng trước sự phức tạp của đời sống và giúp chúng ta diễn giải những thông tin có tính phức tạp và gây bối rối. Chúng ta tiến hành cuộc sống của mình theo những giả định của chúng ta. Khi những giả định cơ bản đó bị vi phạm, chúng ta bị mất phương hướng.
“Nếu như tôi không thể tin cậy vào những giả định này thì tôi không thể tin cậy vào bất cứ điều gì trong cuộc sống của tôi”
Những giả định về mối quan hệ
Phản ứng của chúng ta đối với chuyện ngoại tình được tăng cường bởi mức độ vi phạm của sự phản bội đối với những giả định cơ bản của chúng ta về sự cam kết lẫn nhau trong hôn nhân. Sau đây là 1 số giả định phổ biến :
– Tôi giả định rằng chúng tôi đã cam kết chung thủy với nhau, bất kể điều gì xảy ra.
– Tôi tin là mình có thể được an toàn trong mối quan hệ này.
– Tôi không bao giờ nghi ngờ việc chúng tôi yêu thương nhau.
– Tôi nghĩ chúng tôi có cùng hệ giá trị đạo đức và chúng tôi cùng tin vào hôn nhân một vợ một chồng.
Sự không tương hợp giữa những gì người bị phản bội tin về sự cam kết và thủy chung, với hành động thực tế của người phản bội sẽ quyết định mức độ bị tổn thương tâm lý.
Những giả định về người bạn đời:
– Tôi nghĩ anh(cô) ấy là người đáng tin.
– Tôi nghĩ anh(cô) ấy sẽ luôn luôn trung thực với tôi.
– Tôi nghĩ anh(cô) ấy sẽ luôn luôn làm điều đúng đắn.
Khi bạn nghĩ rằng bạn hiểu về con người thực của bạn đời và anh (cô) ấy lại làm một số việc khác xa với tính cách của họ, bạn thấy khó mà hiểu được những gì trái tim đang mách bảo với mình. một ai đó thu hút và quyến rũ trong mắt bạn bởi vì bạn ngưỡng mộ và tôn trọng họ. Ngay cả khi quá trình lý tưởng hóa về những tính cách của người yêu dừng lại thì con người vẫn muốn tin vào những điều tốt đẹp ở người bạn đời mà họ lựa chọn.
Những người vợ hoặc chồng chưa bao giờ có lý do để nghi ngờ về sự cam kết, chung thủy cảm thấy bị tổn thương sâu sắc bởi việc phản bội, ngoại tình. Một người chồng bị phản bội đã bộc lộ sự hoài nghi của mình khi anh ấy phát hiện vợ mình với người đàn ông khác ” Vợ tôi là một trinh nữ khi chúng tôi kết hôn và cô ấy luôn luôn là một người vợ và người mẹ tận tụy. Tôi dám cá 2 triệu USD, đó không phải là vợ tôi bước ra khỏi nhà nghỉ với người đàn ông khác” . Một người phụ nữ khác nói rằng ” anh ấy là người theo tôn giáo và căm ghét những kẻ nói dối”. Nhưng việc ngoại tình của anh ấy đã phá vỡ những giả định của cô ấy.
Những tổn thương cá nhân của người bị phản bội
Chúng ta không thể dự đoán chính xác 100% cách thức một cá nhân sẽ phản ứng trước ngoại tình dựa theo bản chất của việc ngoại tình hoặc cách thức phát hiện ra ngoại tình. Những người bị phản bội phản ứng theo những cách thức khác nhau dựa trên lịch sử mối quan hệ cá nhân, giá trị bản thân và sự ổn định về cảm xúc của họ. Sự tuyệt vọng về tương lai thường thấy phổ biến ở những người bị phản bội, đổ lỗi việc ngoại tình là do những thiếu sót của chính họ và những người sợ bị bỏ rơi. Ở một mức độ nào đó, đây là vấn đề thuộc về khí chất bẩm sinh của họ. Một số người bẩm sinh là bình tĩnh, không phản ứng, trong khi đó một số khác thì bẩm sinh là quá nhạy cảm và dễ cáu giận.
Chúng ta là ai? Một phần là hệ quả của những trải nghiệm mà chúng ta có trong quá khứ. Lịch sử mối quan hệ của chúng ta ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước những tổn thương trong quan hệ liên nhân cách. Để hiểu được tại sao một người khi vấp ngã lại không thể tiếp tục đi tiếp và người khác thì vẫn đứng dậy đi tiếp trong cùng một hoàn cảnh như nhau, đòi hỏi sự hiểu biết về quá khứ của người đó. Tất cả chúng ta đều mang theo những tổn thương tâm lý.
Lòng tự trọng thấp ( low self-esteem)
Những người có lòng tự trọng thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi sau khi bị phản bội bởi vì họ diễn giải sự phản bội của người bạn đời như một bằng chứng cho thấy những khiếm khuyết của chính bản thân họ.
Những người từng có mối quan hệ căng thẳng với anh chị em ruột hoặc ít được bố mẹ yêu thương trong quá khứ, họ sẽ mang điều đó vào mối quan hệ khi trưởng thành, họ có nhu cầu chứng tỏ rằng họ là người xứng đáng được yêu thương. Khi người bạn đời của họ ngoại tình, nó đánh thức tất cả những cảm xúc cũ phải cạnh tranh hoặc là người ngoài lề hoặc là đứa con ít được yêu thương.
Người bị phản bội khi còn bé từng bị bố mẹ chối bỏ, sẽ cảm thấy tổn thương khi họ xem việc phản bội của bạn đời như là 1 sự chối bỏ cá nhân.
Những người đàn ông hoặc phụ nữ cảm thấy lo lắng về khả năng tình dục hoặc sự quyến rũ của chính mình, đặc biệt cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy mình khiếm khuyết và nghi ngờ bản thân khi người bạn đời ngoại tình về tình dục.
Niềm tin tan vỡ
Những người không thể phát triển được sự tin tưởng trong suốt thời thơ ấu thì đặc biệt cảm thấy bị tổn thương bởi sự lừa dối của người yêu. Việc ngoại tình khơi dậy tất cả những tổn thương từ thời thơ ấu đối với người bị phản bội. Họ nhớ lại việc mình bị bố mẹ thất hứa hoặc bị một ai đó lừa gạt.
Những người từng bị bạo hành về thể xác, tinh thần hoặc tình dục trong những mối quan hệ quá khứ có thể bị tổn thương lại lần nữa khi lòng tin của họ bị phản bội.
Bố mẹ từng ngoại tình
Việc chứng kiến bố mẹ ngoại tình có thể khiến người đó có nguy cơ cao bị tổn thương tâm lý nếu họ bị phản bội bởi người bạn đời mà họ lựa chọn.
Những người đàn ông từng chứng kiến mẹ mình ngoại tình thì có khả năng cao hơn những người đàn ông khác trong việc bộc lộ tính ghen tuông bệnh lý. Ngược lại, một số người phụ nữ mà có bố là người hay tán gái thì dường như cô ấy chấp nhận kết hôn cùng người đàn ông tương tự như bố.
Những tài sản bị đánh cắp
Người bị phản bội cảm thấy tổn thương khi những gì mà họ mong muốn trong cuộc hôn nhân của mình lại bị tình địch lấy mất. Tình địch được tặng những món quà như tình cảm, thời gian và tiền bạc.
Việc phục hồi sau chuyện ngoại tình đòi hỏi cặp đôi phải cùng làm việc với nhau để chữa lành những tổn thương. Tuy nhiên, trong những ngày đầu sau khi chuyện ngoại tình bị phát hiện, cả hai có thể đang lo chăm sóc cho nỗi đau của mình, do đó họ có thể không còn nhiều tình cảm để dành cho nhau.
Liệu nỗi đau này có đáng không?
Trong giai đoạn đầu của sự biến động về cảm xúc, bạn có thể thỉnh thoảng cảm thấy như thể nó không đáng để nỗ lực xây dựng lại cuộc hôn nhân của bạn. Thỉnh thoảng bạn tự hỏi mình liệu bạn có nên chấm dứt những mất mát và kết thúc cuộc hôn nhân ngay bây giờ?
Trong một cuộc điều tra ở Mỹ, 25% số cặp đệ đơn ly hôn chưa bao giờ hoàn thành quá trình phục hồi cảm xúc. Cho dù việc ngoại tình kích hoạt lên những sự chắc chắn hoặc không chắc chắn, bạn cũng cần nhớ rằng ở giai đoạn đầu này, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Sự mơ hồ là phổ biến trong một vài tháng đầu tiên sau khi việc ngoại tình bị tiết lộ. Không ai có thể biết chắc rằng mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào trong những ngày đó.
Nếu bạn cảm thấy đang mắc kẹt, hãy cho bản thân mình một thời gian cần thiết để suy nghĩ. Đừng từ bỏ quá sớm. Sai lầm thường thấy nhất ở những người này là họ đang cố vượt qua sự mơ hồ càng nhanh càng tốt và từ bỏ cuộc hôn nhân quá sớm. Trong vài tuần đầu tiên, mọi chuyện vẫn còn đang biến chuyển. Thỉnh thoảng, bạn khó mà nói chính xác được mình cảm nhận điều gì khi đang ở trong những cảm xúc bối rối và mạnh mẽ.
Làm phép so sánh
Nếu bạn là người ngoại tình, cũng là điều bình thường khi bạn thấy nghi ngờ về tình yêu của bạn đối với người bạn đời. Đây là cảm xúc phổ biến thường thấy sau khi việc ngoại tình bị phát hiện.
Hãy nhớ rằng khi bạn so sánh người tình của mình với người bạn đời, thì bạn không thực sự đang so sánh giữa 2 con người. Cái mà bạn đang so sánh đó là cảm giác của bạn như thế nào khi đang ở trong một mối quan hệ lý tưởng, lãng mạn với những cảm giác của bạn khi đang ở trong một mối quan hệ dựa trên thực tế và lâu dài.
Nếu nhìn theo cách khác, sự lựa chọn mà bạn đang làm có thể là giữa một phần trong con người bạn muốn có được sự phấn khích, vui vẻ và một phần khác trong bạn muốn có sự thoải mái và quen thuộc. Bạn đang chọn lựa giữa phần này của bạn đối lập với phần khác của bạn. Mỗi mối quan hệ gợi ra một khía cạnh khác nhau trong con người bạn.
Những người cảm thấy bị giằng xé giữa 2 phần này, thì việc phải cắt đứt 1 trong 2 mối quan hệ khiến họ có cảm giác như thể cắt đi 1 phần thiết yếu trong con người họ.
Một điều kỳ lạ là những nét tính cách mà bạn yêu thích ở người thứ 3 có thể lại là những nét tính cách đối lập với những nét tính cách mà ban đầu bạn bị thu hút ở người bạn đời của bạn.
Người ta thường hỏi là
Liệu tôi có thể tin tưởng người bạn đời một lần nữa? Liệu chúng tôi sẽ có được những gì mà chúng tôi đã từng có trước đây? Mặc dù tôi đồng ý rằng một mục tiêu quan trọng trong việc phục hồi sau ngoại tình đó là khôi phục lại niềm tin, nhưng tôi tin rằng câu hỏi thứ 2 là câu hỏi sai. Tôi không muốn bạn chỉ đơn giản là có lại những gì mà bạn từng có trước đây. Tôi muốn mối quan hệ của bạn trở nên khác hơn so với trước đây. Tôi muốn bạn trở thành người mạnh mẽ hơn và không có những tổn thưởng làm nảy sinh những điều kiện cho việc ngoại tình.
Việc chung sống với sự mơ hồ trong một khoảng thời gian thật kinh khủng đối với bạn, nhưng bạn cũng nên nhớ là những hoàn cảnh mới sẽ cho phép những cơ hội mới xuất hiện. Như nhiều cặp đôi đã phát hiện thấy những cảm xúc mới và những hành vi mới có thể xuất hiện sau những hỗn loạn từ việc ngoại tình. Một cuộc khủng hoảng của những điều không chắc chắn thường đem lại mảnh đất màu mỡ cho những sự phát triển mới.
Theo kinh nghiệm của tôi, cả hai nên đợi ít nhất là 3 tháng, ngay cả khi tình hình hiện tại là mơ hồ và chưa được giải quyết. Việc xây dựng lại cuộc hôn nhân là 1 quá trình lâu dài, nó kéo dài ít nhất khoảng 1-2 năm.
Sự ám ảnh
Người bị phản bội không thể dừng việc bị ám ảnh về chuyện ngoại tình đến khi nào họ có được tất cả câu trả lời (mà nó cần đến vài tháng). Họ xem xét lại những lời nói dối và những câu hỏi chưa được trả lời liên tục trong đầu họ. Họ đầu tư nhiều năng lượng để khám phá ra sự thật về những lời nói dối trước đây. Họ đặt câu hỏi và kiểm tra lại tất cả những tình tiết trong cuộc sống lứa đôi nhằm xây dựng lại sự thật.
Sự kìm nén
Khi gặp căng thẳng về cảm xúc, phụ nữ có xu hướng bị ám ảnh và đàn ông có xu hướng đè nén. Phụ nữ thường nhai đi nhai lại và phân tích, nói chuyện về những sự kiện gây bực bội cho họ, trong khi đó, đàn ông đè nén suy nghĩ, họ không suy nghĩ về những sự việc đó. Tuy nhiên, trong trường hợp ngoại tình, người phản bội thường đè nén suy nghĩ và người bị phản bội thì bị ám ảnh, bất kể giới tính.
Để trốn tránh trách nhiệm, người phản bội có thể quên việc ngoại tình bằng cách phủ nhận hoặc giảm thiểu hóa tầm quan trọng của việc phản bội. Trước khi chuyện ngoại tình bị phát hiện, người bạn đời lừa dối làm những gì mà họ có thể nhằm dẹp đi những lo lắng hoặc nghi ngờ của người bị phản bội. Bây giờ, họ có thể cố gắng kéo dài sự vô tội của mình bằng cách xin lỗi, nói rằng việc ngoại tình này chỉ là chuyện nhỏ hoặc vô nghĩa và việc ngoại tình đã kết thúc.
Sự bí mật sẽ khuấy động sự ám ảnh. Mặc dù người phản bội thích đóng chủ đề ngoại tình này lại, nhưng họ cũng có thể trải nghiệm về những ý nghĩ không mong muốn. Họ có thể trở nên ám ảnh với những suy nghĩ về người thứ ba hoặc những bí mật về chuyện tình còn đang bị che dấu. Bởi vì, sự bí mật sẽ khuấy động nỗi ám ảnh, những suy nghĩ ám ảnh về người thứ ba được tăng cường mạnh mẽ bởi việc từ chối thảo luận về chuyện ngoại tình. Chia sẻ thông tin về chuyện ngoại tình cho phép cả 2 từ bỏ nó.
Sự chối từ khuấy động nỗi ám ảnh. Người thứ ba bị bỏ rơi cũng có thể trở nên bị ám ảnh. Họ có thể liên tục gọi điện, nhắn tin và đến nhà, cơ quan của người yêu. Họ cảm thấy khó chấp nhận một điều gì đó đặc biệt (chuyện tình cảm này) đã thực sự kết thúc. Một thông điệp rõ ràng, lạnh lùng từ người ngoại tình là cần thiết để chấm dứt sự gắn kết đam mê này và để cả 3 người có thể tiếp tục cuộc sống của họ.
Làm thế nào để xử lý những suy nghĩ ám ảnh?
Điều quan trọng cần hiểu đó là những suy nghĩ ám ảnh không phải là 1 phản ứng bệnh hoạn trước tổn thương tâm lý. Nó là 1 phản ứng bình thường. Chừng nào mà bạn còn đang vật lộn với những giả định và câu chuyện về ngoại tình thì bạn sẽ vẫn còn bị ám ảnh. Nói cách khác, những suy nghĩ ám ảnh có thể xâm nhập vào tâm trí bạn trong suốt quá trình phục hồi đến khi nào sự chữa lành tổn thương tinh thần hoàn thành.
Khi những suy nghĩ ám ảnh quá mãnh liệt, điều quan trọng là khả năng kiểm soát chúng. Hãy viết ra những suy nghĩ của bạn. Hãy mang theo 1 cuốn sổ. Khi bạn bắt đầu bị ám ảnh bởi việc ngoại tình, bạn có thể thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương của mình bằng cách bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc thầm kín trong cuốn sổ. Bạn có thể viết vào một thời gian nhất định hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy thôi thúc.
Viết ra những câu hỏi. Mỗi khi bạn bắt đầu bị ám ảnh với những câu hỏi không có câu trả lời về việc ngoại tình, hãy viết chúng ra. Khi bạn và bạn đời nói chuyện với một sự thấu hiểu và không đổ lỗi, bạn có thể cho anh(cô) ấy xem danh sách những câu hỏi của bạn. Người bạn đời của bạn có thể chọn bất kỳ câu nào mà họ có thể trả lời ngay lập tức và những câu hỏi mà họ cần hoãn lại đến khi nào cả hai ổn định về cảm xúc.
Cảnh giác quá mức
Một thời gian rất lâu sau khi bị phản bội, người ta vẫn duy trì sự nhạy cảm quá mức và cảnh giác quá mức. Họ sẵn sàng phản ứng lại trước bất kỳ sự đe dọa nào. Việc kiểm tra thận trọng những nguy cơ đe dọa trở thành sự hoang tưởng ( paranoia).
Người phụ nữ thứ 3
Tam giác gia đình của người phụ nữ làm kẻ thứ 3
Lịch sử thời thơ ấu của nhiều người phụ nữ độc thân ngoại tình với người đàn ông đã có gia đình tiết lộ về những khuôn mẫu tam giác mối quan hệ với mẹ, anh chị em ruột, ông bà hoặc nhân tình của bố mẹ họ. Cha cô ấy ngoại tình. Và cô ấy chứng kiến cảnh sự quan tâm, chú ý của người cha hướng đến người phụ nữ khác chứ không phải cô ấy và người mẹ. Hoặc trường hợp người cha dành sự chú ý và những lời khen cho con gái thay vì vợ. Trong cả 2 trường hợp trên, cô con gái nhận thấy người vợ (mẹ cô ấy) không nhận được sự vui vẻ, tất cả chỉ có sự đau khổ. Người mẹ được bé gái nhìn nhận là 1 hình mẫu tiêu cực (yếu đuối và không quyến rũ). Và cô con gái không muốn giống như mẹ.
Lịch sử cá nhân của người ngoại tình
Một số người có cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng họ không ngoại tình và một số người có cuộc hôn nhân hạnh phúc thì lại ngoại tình. Lời giải thích không nằm ở chính cuộc hôn nhân mà nằm ở lịch sử cá nhân người ngoại tình.
Thái độ cá nhân về việc ngoại tình
Thái độ của chúng ta – những gì chúng ta quan niệm về chế độ 1 vợ 1 chồng, sự cam kết, sự chung thủy, trung thực và ngoại tình – có ảnh hưởng tuyệt đối đến cách hành xử của chúng ta. Ở đây, rõ ràng là những người đã từng lừa dối sẽ có thái độ ủng hộ việc ngoại tình hơn những người chưa bao giờ ngoại tình. Thái độ và những giá trị của chúng ta sẽ dự đoán về khả năng liệu chúng ta sẽ ngoại tình không và có cảm thấy có lỗi sau khi ngoại tình.
Test kiểm tra nguy cơ ngoại tình của 1 cá nhân
Không có cách nào để dự đoán chắc chắn liệu 1 người nào đó sẽ lừa dối hay ngoại tình. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn xác định về thái độ và những tính cách làm tăng nguy cơ ngoại tình khi người đó gặp cơ hội ngoại tình.
A: Agree – Đồng ý
D: Disagree – Không đồng ý
NA: Not applicable – Không thể áp dụng
Phần I: Tôi cảm thấy chính đáng khi ngoại tình vì những lý do sau đây
1. Nếu tôi yêu người đó.
2. Vì những khoái lạc tình dục hoặc sự mới lạ về tình dục.
3. Có một ai đó hiểu những vấn đề và những cảm xúc của tôi.
Phần II: Tôi sẽ không ngoại tình vì những lý do sau
4. Tôi cảm thấy tội lỗi.
5. Ngoại tình vi phạm những nguyên tắc đạo đức hoặc tôn giáo của tôi.
6. Tôi sẽ không phá hủy lời thề đám cưới hoặc lời cam kết với người bạn đời của tôi.
7. Tôi dâng hiến cho người bạn đời của tôi.
Phần III: Tôi có lẽ sẽ ngoại tình với 1 người quyến rũ mà họ yêu thích tôi vì
8. Tôi làm việc chăm chỉ, do đó tôi xứng đáng có được một vài niềm vui.
9. Tôi sẽ không làm tổn thương ai cả.
10. Việc quan hệ tình dục là ổn khi bạn không dính mắc về tình cảm, cảm xúc với đối tác.
11. Việc tán tỉnh là ổn nếu bạn không quan hệ tình dục.
12. Việc có tình cảm/cảm xúc với đối phương là ổn nếu bạn không quan hệ tình dục.
Đáp án
Phần I,III, IV và V: mỗi câu đồng ý =1, không đồng ý = 0
Phần II không đồng ý =1, đồng ý = 0
0-4 điểm: Vùng an toàn
5-9 điểm: Cần cẩn thận
10-14: Trượt dốc
15-19: Vùng nguy hiểm
Con người ngoại tình nhằm đáp ứng những nhu cầu mà họ không được thỏa mãn trong hôn nhân. Những nhu cầu đó có thể là hợp lý hoặc bất hợp lý mà không người nào hoặc mối quan hệ nào có thể thỏa mãn được. Như thèm khát sự chú ý và tình cảm, sự lãng mạn, sự ngưỡng mộ và tình dục.
Nhiều cuộc ngoại tình có thể chỉ ra nhu cầu cần được thỏa mãn ở 3 hình thức là tình dục, tình yêu và sự lãng mạn.
Nhu cầu tìm kiếm sự phấn khích trong cuộc ngoại tình có thể là một nỗ lực nhằm “sửa chữa” vấn đề nội tâm, ví dụ như sự nhàm chán, lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác lo lắng.
Nhiều người ngoại tình có thể trong vô thức họ đang tìm kiếm mức adrenaline cao như là một cách để trốn thoát khỏi sự trống rỗng nội tâm hoặc những tình huống gây căng thẳng bên ngoài.
Ít nhất là trong giai đoạn đầu, ngoại tình nâng cao cảm nhận về giá trị bản thân. Thông qua cuộc ngoại tình, bạn có thể sống với hình ảnh cái tôi được mở rộng và cảm thấy bản thân mình đặc biệt, có giá trị. Những gì bạn phải làm đó là nhìn vào mắt người yêu để nhắc nhở bản thân rằng bạn đáng yêu và có giá trị. Sự lý tưởng hóa là một biện pháp khắc phục ngắn hạn cho lòng tự trọng thấp.
Sự lôi cuốn, quyến rũ của người thứ 3 là tấm gương phản chiếu tích cực họ mang lại cho bạn. Nhìn chung thì những người thứ ba không hấp dẫn hơn người bạn đời của bạn . Điều làm cho họ trở nên khó cưỡng đối với bạn đó là họ thỏa mãn nhu cầu được ủng hộ của bạn. Thật khó khăn để cưỡng lại trước sự tâng bốc và ngưỡng mộ mà họ dành cho bạn.

Braintrust – Tổng hợp

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng