Lại như cái chuyện, ở nhiều cơ quan phòng làm việc nào cũng có
một bát hương. Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống quá bấp bênh, nên nhiều người sinh
ra mê tín. Có tốn kém bao nhiêu đâu? Tội gì không làm.
Người ta nghĩ vậy. Và một khi nó đã lan ra thì giống như một thứ
bệnh truyền nhiễm. Nhưng có lẽ nên hạn chế nó lại đặt nó vào phạm vi gia đình
là cùng, chứ sao lại mang đến tận công sở thế này.
Thần Phật có có chăng nữa thì cũng phù hộ người chăm chỉ chịu
khó nghiêm túc với công việc, chứ đâu có phải cứ lễ bái đều vào, là có bảo
hiểm, rồi yên tâm mà tha hồ làm bậy ?
Cách sống buông thả trong các cơ quan hiện nay vốn bắt nguồn từ
những nguyên nhân sâu xa. Trước tiên, đây là nếp sinh hoạt của cả xã hội.
Thằng con trai của tôi có một thói quen là bất cứ lúc nào xem
tivi cũng chỉ thích nằm bò ra sàn. Khi tôi kể chuyện này với nhiều người thì ai
cũng gật đầu đồng tình, phần lớn trẻ các nhà đều như vậy.
Dáng đi thũng thĩnh bất cần đời. Ghếch chân ngang mặt khi đọc
sách. Cần viết cái gì thì đè ngay lên đầu gối mà viết, hoặc sẵn sàng viết trên
một mặt bàn khấp khểnh sách bút, để rồi lấy đó làm cớ biện hộ cho những hàng
chữ rất xấu. Ở lớp trẻ hiện nay nhiều thói quen kỳ lạ như vậy đã được hình
thành.
Cố nhiên không thể chỉ một chiều trách trẻ con được. Vì cách ăn
ở sinh hoạt của người lớn chẳng có hơn gì.
Chưa bao giờ đường phố của chúng ta có nhiều loại xe đẹp xe sang
như hiện nay. Nhiều người ăn mặc như vừa từ Paris New York về, mới xuống sân
bay hôm qua. Nhưng lạ một cái là những cảnh trái ngược cứ chen nhau.
Nhiều lần tôi cứ ngỡ ngàng khi bắt gặp một thanh niên vừa diện
bộ cánh hảo hạng, dăm phút sau đánh trần cưỡi xe máy ra phố mua thuốc lá, cười
nói rầm rĩ. Và nhiều phen lơ đãng nhìn kỹ vào chiếc xe bóng loáng đang đậu vỉa
hè, tôi vẫn không quen được cảnh mấy bác không còn trai trẻ cũng xả láng. Trong
khi đậu xe chờ sếp, các bác cởi giày, gác cả hai chân lên cửa hóng gió.
Ở Hà Nội từ 1964 về trước, không bao giờ có cảnh vứt chuột chết
ra đường và ở các công viên, không có cảnh “ thượng “ cả dép lên trên ghế đá mà
ngồi như bây giờ.
Cuộc sống những năm chiến tranh mang lại cho người Hà Nội bao
nhiêu thói xấu. Để kịp về nơi sơ tán, trong những chuyến tàu vét, người ta trèo
cả lên nóc tàu hỏa mà ngồi. Sau những ngày chầu chực không mua nổi cân gạo, lúc
làm ra đồng tiền, nhiều gia đình đồng lòng xả láng một phen cho bõ đời, và thói
quen tranh thủ hưởng thụ đã đến một lần là không chịu bỏ đi nữa.
Chiến tranh đầy bất trắc không biết sống chết lúc nào. Ai đó đã
viết “ sau cái thời của không biết hy vọng, sẽ đến thời của không biết sợ hãi
“. Khi mà buồn vui thất thường thành một cái gì kéo dài thì cả nếp sống tạm bợ
lẫn triết lý sống gấp đều là không thể tránh nổi.
Cũng tương tự như vậy, khi nghĩ về văn minh công sở, đúng hơn
nếp làm việc buông tuồng và đầy cảm hứng gia đình chủ nghĩa ở các cơ quan hiện
nay, trong đầu óc tôi lập tức nhớ lại mấy năm sơ tán.
Đang làm ăn ở Thủ đô đàng hoàng nay kéo nhau về ở nhờ tận các
làng quê heo hút, hồi ấy chúng tôi có muốn nề nếp cũng không được. Mỗi người
với đủ lệ bộ ông bà vợ con bìu ríu “ nhảy dù “ xuống một nhà dân địa phương.
Vừa làm việc vừa cởi trần thổi cơm hoặc trông con. Có làm việc với cán bộ các
cơ quan khác thì ngồi bệt ngay đầu hè.
Tâm lý bảo thủ vốn có trăm ngàn bộ mặt. Trong khi đi xe máy thậm
chí lái ô tô, nhiều người chúng ta hôm nay vẫn tham gia giao thông bằng tâm lý
người đi xe đạp.
Mấy chục năm chiến tranh qua đi, nay đã sang thời hội nhập, Tây
Tàu đầy đường, song người ta vẫn sống như thuở còn sơ tán làng quê, cái kiểu tư
duy và thói quen hôm qua vẫn giữ nguyên xi như cũ.
Một mặt thì nhà nước thiếu sự chuẩn hóa đội ngũ công chức. Mặt
khác, tôi muốn nói đến cái sức ì trong ứng xử của mọi người hiện nay.
Trước khi gia nhập vào hàng ngũ cán bộ, cả các thủ trưởng – mà
bây giờ người ta quen gọi là sếp – lẫn các nhân viên đều không được trải qua
huấn luyện sát hạch gì cả, chỉ thấy người ta bảo mình phải làm việc chứ không
thấy ai yêu cầu mình phải thế nào. Ngay kỷ luật công việc còn thiếu, còn không
rành mạch, nói chi là kỷ luật sinh hoạt. Không ai biết thế nào là phải. Nhất là
không ai nhắc nhở nổi ai. Có vấn đề gì thì cười trừ với nhau là xong. Đã “làm
luật” với nhau như thế, có không buông tuồng bừa bãi mới là chuyện khó hiểu.
Khổng Tử vốn nổi tiếng về việc đề cao chữ lễ trong xử thế. Ông
bảo đến đâu chiếu trải không ngay ngắn ông không ngồi. Cái sự nghiêm túc này đẻ
ra một loại người mà các cụ ngày xưa gọi là kỹ tính. Họ không chịu qua loa tạm
bợ trong bất cứ việc gì. Người xuề xòa bảo đó là ảnh hưởng phong kiến và không
theo. Người tân tiến thì cho rằng tự do mới được coi là tiêu chuẩn số một của
xã hội hiện đại. Họ tuyên ngôn: phải nghĩ những chuyện to lớn cơ.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã sớm có một tổng kết thú vị, ông bảo thời
nào người ta càng hay nói chuyện lớn lao thì càng hay làm khổ nhau bằng những
chuyện lặt vặt.
Trước sau cái nếp sống buông thả trong xã hội cũng tìm được cách
thấm vào từng gia đình.
Và đấy là lúc trong cuộc đời “sống chung” với cái sự luộm thuộm
bừa phứa, một số người mới thực sự ngấm đòn. Bề ngoài họ tiếp tục tự nuông
chiều mình, song tôi biết nhiều người đang âm thầm đau khổ. Ở nhà họ, con cái
còn liều lĩnh cẩu thả hơn chính họ nữa.
Lúc tâm sự riêng tư, tôi thường nói với những người quen tỉnh bơ
này: trong cái việc nâng cao văn hóa văn minh công chức, chính là chúng ta đã
chuẩn bị cho cuộc sống riêng ở tổ ấm nhà mình. Giữa công việc và gia đình, giữa
người thân và xã hội, cái sợi dây liên hệ nhiều khi ngắn lắm.
Nguồn: Những chấn thương tâm lý hiện đại(2011)
Đăng nhận xét