Văn hóa là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá sự tiến bộ, phát
triển một xã hội, một dân tộc. Thế nhưng không khó để nhận ra những giá trị văn
hóa, bản sắc dân tộc đang dần bị mai một, xuống cấp. Tất cả như đập vào mắt
chúng ta hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, nếu chúng ta thấy điều đó ở ngoài đường,
chúng ta cũng có thể thấy điều đó ở cơ quan, ở quán ăn, nơi vui chơi, trong nhà
trường, và ở ngay tại gia đình… Vậy, đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp này?
Về bản chất, văn hóa được lưu giữ, phát triển thông qua giáo
dục. Và khi giáo dục không làm tốt được chức năng của mình thì văn hóa lập tức
gánh hậu quả. Chúng ta sở hữu một nền giáo dục có quá nhiều vấn đề để nói.
Giáo dục hình thành bởi sự kết hợp giữa giáo dục tại gia đình và
giáo dục trong nhà trường.
Tại gia đình, nơi để những bậc làm cha làm mẹ là tấm gương mẫu
mực cho con cái, dành thời gian quan tâm dạy dỗ con cái một cách có khoa học,
có nền tảng. Tuy nhiên, những gia đình làm được như thế lại không nhiều, mà rất
nhiều bậc cha mẹ coi đó là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội; tệ hơn một
số còn là “tấm gương”: nói tục, đổ lỗi, ích kỷ, cờ bạc, thuốc lá… và vô số tệ
nạn xã hội khác cho con cái.
Có lẽ chính họ cũng không ý thức được rằng chính những thói quen
chết người ấy đang vô tình “hủy hoại” tâm hồn những đứa trẻ vốn chỉ như tờ giấy
trắng. Nhìn vào những đứa trẻ hư hỏng, phạm tội, mà hầu hết chúng sinh ra trong
những gia đình không hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm từ gia đình… thì đủ thấy
được gia đình quan trọng đến như thế nào tới sự phát triển nhân cách, lối sống
của mỗi con người.
Cùng với gia đình thì nhà trường cũng nắm một vai trò quan trọng
trong việc định hướng, xây dựng nhân cách, hiểu biết và rèn giũa năng lực cho
mỗi cá nhân. Tuy nhiên điều đáng nói là nền giáo dục của chúng ta đang phát
triển một cách lệch lạc, lệch lạc từ thái độ đến phương pháp dạy.
Tại bất cứ đất nước phát triển nào trên thế giới, nền giáo dục
của họ đều phát triển dựa trên những tôn chỉ, triết lý riêng. Nếu giáo dục Mỹ
dựa trên những triết lý thuyết phục, rõ ràng bao gồm: Thuyết bản chất
(Essentialism), thuyết tiến bộ (Progressivism), thuyết trường tồn
(Perennialism), thuyết cải tạo xã hội (Social reconstructionism) và thuyết hiện
sinh (Existentialism)… đã xây dựng nên cường quốc phát triển bậc nhất trên thế
giới, thì tại Singapore với triết lý “Trường tư duy, quốc gia học tập” và
phương châm “dạy ít, học nhiều” thành công của họ không chỉ được khẳng định
bằng nền giáo dục với chất lượng hàng đầu châu Á mà còn bằng một đất nước luôn
nổi tiếng với sự văn minh, hiện đại.
Vậy, câu hỏi đặt ra là "Triết lý giáo dục Việt Nam là
gì?"
Lại thử đặt câu hỏi tương tự dạng như “Mục đích của việc học là
gì?” Tại sao?
Triết lý giáo dục Việt Nam (nếu có) thì là “Tiên học lễ, hậu học
văn”, hay “Học đi đôi với hành” chẳng hạn? Nhưng nếu chúng ta coi đó là những
triết lý giáo dục thì cũng chỉ là sự giáo điều.
Triết lý giáo dục? Hoặc không có hoặc có như không thì tựu chung
lại cũng là không có.
Cũng vì thế chúng ta có mô hình giáo dục chẳng giống ai. Chúng
ta tập trung nhân lực, cơ sở, những gì tốt nhất để đi xây cái “nóc nhà” giáo
dục là Đại Học, trong khi việc này chẳng mang nhiều ý nghĩa khi mà trước đó
“cái móng” lại chỉ được xây qua loa cho xong chuyện.
Chúng ta xây những trường mầm non lớn, đầy đủ tiện nghi, từ nhà
ăn đến sân chơi, nhưng lại chỉ sử dụng chỉ để… “trông trẻ”! Khi chính những
giáo viên mầm non ấy cũng luôn “ý thức rõ ràng” rằng mình làm nghề “trông trẻ”
thì liệu họ có thể dạy trẻ ý thức, trí tuệ, phát triển khả năng và quan trọng
hơn là nhân cách?
Câu trả lời như thế nào thì ai cũng rõ
Hãy nhìn cái cách mà những học sinh cấp 2, cấp 3 ứng xử với bố
mẹ, thầy cô, và người xung quanh. Hãy nhìn cách chúng ứng xử nơi công cộng, hãy
nghe chúng nói tục, chửi bậy ngoài đường, trên facebook… Rồi nhìn tới những xóm
trọ sinh viên xem họ sinh hoạt như thế nào? Hãy nhìn họ dùng thời gian bốn, năm
trời sinh viên để chơi game, để tiêu tiền, để hưởng thụ như thế nào?
Trong khi chúng ta đang quanh quẩn với những vấn đề của giáo
dục, chúng ta cải cách giáo dục, chúng ta đi tìm triết lý giáo dục… thì vấn đề
của văn hóa Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới, “vươn ra tầm quốc tế” bằng một
cách mà không ai muốn…
Thật buồn! Khi người Việt ta đi đâu cũng bị săm soi, chúng ta
trở nên nổi bật một cách “đau đớn”. Người nước ngoài kỳ thị người Việt ta kỳ
thị đủ thứ: từ trộm cắp vặt, ăn uống lãng phí, đến trốn vé tàu, đánh nhau, vứt
rác bừa bãi… thật xấu hổ!
Phải chăng khi đất nước đã thời bình thì văn hóa lại bắt đầu
thời loạn?
Đăng nhận xét