Cháu đang học lớp 3, cháu cảm thấy mệt mỏi vì chương trình học
quá tải, chúng cháu học cả ngày, tối về lại ôn bài, làm bài, chuẩn bị cho ngày
hôm sau. Cuối tuần, chúng cháu có rất nhiều phiếu ôn tập nhà trường giao cho,
chúng cháu mong Bộ Giáo dục chỉ bắt chúng cháu học nửa ngày thôi, để buổi chiều
chúng cháu có thể ôn bài, có thể chuẩn bị bài, có thể vui chơi, có thể chia sẻ,
buổi tối chúng cháu có thể xem những chương trình tivi dành cho chúng cháu,
được chọn trò chơi, được đọc truyện..” Bé Thảo Ly (Hưng Yên)
Cuộc sống không chỉ có chữ, cuộc sống còn nhiều thứ khác. Một
trong những sai lầm từ ngàn năm nay của giáo dục là gì? Đến trường để kiếm dăm
ba chữ, và ai hơn mình nửa chữ thôi cũng tôn làm thầy. Điều này ở một khía cạnh
nào đó có nghĩa nhưng ở khía cạnh khác lại là vô nghĩa, chữ không phải là tất
cả.
“Cháu không còn một chút thời gian nào để nghỉ ngơi và chơi, lúc
nào cũng trong tình trạng như hoảng loạn. Nhiều khi buổi tối cháu học mệt quá ngủ
gục trên bàn, tôi bế cháu lên giường ngủ thì cháu choàng tỉnh dậy vội cầm bút
ngơ ngác học tiếp”. Phụ huynh Nguyễn Văn Trường (Hà Nam)
Thời gian biểu của một học sinh không mang lại cho trẻ một cảm
hứng nào mà lại như là một án phạt đối với các em. Những trẻ đến trường với một
nỗi sợ hãi như thế thì nền giáo dục sẽ mang lại gì cho những công dân tương lai
của một dân tộc?
Người lớn có thể chịu đựng mọi nỗi đau khổ, nhưng trẻ không đáng
phải chịu đựng như thế. Trẻ cần hưởng hạnh phúc, trẻ cần được vui chơi và chưa
đến lúc phải chịu nỗi khổ của người lớn. Cái đúng là sự hồn nhiên, thanh thản,
được làm theo ý mình.
Ta cứ nghĩ trẻ làm theo ý mình là hư – nhưng cuộc sống thực của nó bảo nó phải làm như thế, chứ nó không tự ý.
Ta cứ nghĩ trẻ làm theo ý mình là hư – nhưng cuộc sống thực của nó bảo nó phải làm như thế, chứ nó không tự ý.
Xã hội đã ngàn đời coi trọng bằng cấp, đè nén con người khủng
khiếp. Chính nỗi đau đó cũng là nỗi đau của các thầy giáo.
Giáo dục trong nền văn minh hiện đại là phải có tư tưởng mới và
cách làm đúng. Để có những bước phát triển mới thì phải có tư tưởng và cách làm
mới. Cách làm xưa nay là thầy giảng, trò ghi nhớ. Cách làm mới là thầy không
giảng giải, trò tự làm tất cả. Cách làm cũ là trò phải cố gắng, còn cách làm
mới là trò không phải cố gắng, hãy cứ tự nhiên.
Hiện nay đề cao quá vào lý trí, chữ nghĩa, coi thường tình cảm,
niềm tin, đạo đức. Mất niềm tin đạo đức sẽ trở thành người vô đạo đức. Lý trí
hoá nền giáo dục, và lý trí hoá cuộc sống con người. Do vậy, phải tôn trọng
tình cảm, mà tình cảm do nghệ thuật mang đến. Có thể áp đặt về lý trí, nhưng
không thể áp đặt trong nghệ thuật và đạo đức.
Trong 3 lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật và lối sống. Lõi của lối
sống là niềm tin đạo đức. Nghệ thuật không thể giảng được. Nhưng có thể gợi ý,
định hướng và hướng dẫn. Các em hoà nhập vào tác phẩm để cảm nhận theo cách
riêng của mình.
Thực tế cho thấy ngày càng nhiều giáo viên dạy văn đã không còn
cảm xúc. Dạy văn, mục đích cơ bản là để học sinh tiếp cận vẻ đẹp ngôn ngữ và vẻ
đẹp tâm hồn cũng như lòng nhân ái chứa đựng trong ngôn ngữ đó. Nhưng những buổi
học văn vô cảm sẽ không mang lại bất cứ điều gì cho học sinh.
Phải thay đổi giáo trình, phương pháp dạy với trẻ. Thay đổi các
mối quan hệ giữa trẻ và giáo viên, giữa giáo viên và phụ huynh. Quan hệ giữa
giáo viên và phụ huynh hiện nay là quan hệ đối phó, chưa phải hợp tác. Phụ
huynh thường có tâm lý trăm sự nhờ thầy giáo, hoặc lấy lòng thầy giáo vì sợ
thầy giáo không hài lòng thì con mình khổ.
Đã không ai thấy rằng thành quả của các em là do gia đình và nhà
trường cùng làm nên. Trong tương lai phụ huynh học sinh phải được đào tạo thành
phụ huynh học sinh theo đúng nghĩa vụ, giáo viên đúng trách nhiệm, hai bên hợp
tác nhau, không bên nào làm lẫn nhiệm vụ của bên nào, có vậy trẻ mới thấy được
hạnh phúc cả khi ở với gia đình lẫn ở trường.
Đặc biệt lưu ý giai đoạn từ 0-6 tuổi, không có giai đoạn nào đẹp
hơn giai đoạn này. Tuổi này mà được ở nhà, được vui chơi thoải mái là thích
nhất. 6 tuổi là thời điểm tích luỹ kinh nghiệm một cách thiên nhiên, bản tính.
Giai đoạn này trẻ thích mầy mò, khám phá. Nên hãy để các em thỏa sức tìm tòi.
Chúng ta đang mắc sai lầm trong giáo dục mầm non, tiểu học.
Chúng ta phải từ bỏ ngay ý nghĩ những đứa trẻ phải nhất nhất nghe lời chúng ta.
Chúng ta đã bỏ rơi chúng trong chính ngôi nhà của mình, nhà trường của mình và
ngay cả trong xã hội của mình mà cứ lầm tưởng là chúng ta đang chăm sóc chúng.
Thực tế, chúng ta đang chỉ chăm sóc phần xác của chúng mà thôi.
Sự biến đổi của tuổi trẻ thế kỷ này đã khác rất nhiều so với thế
kỷ trước. Những đứa trẻ lên 5 lên 6 tuổi sống ở thế kỷ 20 đã có thể đi làm nuôi
em. Nhưng giờ đây, lứa tuổi 18, 20 vẫn còn bé bỏng, vẫn cần cha mẹ chu cấp.
Nền giáo dục mà trẻ em không chấp nhận, chúng cảm thấy bất hạnh,
thì dứt khoát đó là một nền giáo dục sai, một nền giáo dục thất bại.
Hiểu lầm lớn nhất xưa nay là cứ bắt trẻ con phải làm theo mình,
nếu trẻ con mà làm trái ý là coi như sai. Đáng lẽ khi trẻ con hiểu sai ý mình,
thì mình phải tìm hiểu cái lý của nó là gì? Trẻ con không có âm mưu, chỉ suy
nghĩ trên cơ sở chính nó, vì lợi ích cơ bản của nó, vì sự sống của nó. Nhưng
người lớn thì cái gì cũng tính về mình. Hai cách tính khác nhau, nên vênh.
Trẻ con phải hồn nhiên, vui tươi, không có gì đau khổ, vì ở vào
lứa tuổi đó, chúng không đáng phải đau khổ. Chỉ có người lớn chúng ta mới đau
khổ. Trẻ con khi đã không thích là không thích, nhiều khi bố mẹ còn cảm thấy
ngượng với khách vì con, những khi mà không thích thì chúng thản nhiên bỏ đi,
mặc kệ khách khứa. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng nó như một thực thể tự
nhiên, bọn trẻ vốn sống hồn nhiên. Chúng có sai là sai theo ý mình, chúng cư xử
trên cái lý của chúng.
Đăng nhận xét