“Mỗi một phút bạn đau
khổ là bạn đang đánh mất đi 60 giây để sống hạnh phúc. Mỗi giờ mỗi phút mỗi giây
dù làm gì, bạn cũng đều có một sự lựa chọn.”
Cùng một lượng thời
gian, bạn đầu tư cho điểm mạnh thì khả năng tạo ra sự khác biệt sẽ lớn hơn là
khắc phục điểm yếu. Ý nghĩa của việc khắc phục điểm yếu, có lẽ chỉ giúp bạn rèn
luyện và vượt qua giới hạn bản thân. Còn không, điều quan trọng là bạn phải tìm
ra được điểm mạnh của mình để phát triển nó. Einstein từng nói “Tất cả
mọi người đều là thiên tài, nhưng nếu như đánh giá khả năng leo cây của một con
cá thì cả đời nó sẽ mãi mãi nghĩ rằng nó là kẻ ngu ngốc.”
Nhưng trên thực tế thì
ở trường học, giáo dục thường đánh giá con người dựa trên yếu tố kết quả học
tập. Vậy những người có điểm số thấp thì sao? Liệu có nghĩa là họ dốt? Liệu có
nghĩa là họ kém? Liệu có nghĩa là họ không thành công? Bộ giáo dục cho thi
chung một kỳ thi quốc gia, nhưng hệ thống trường đại học vẫn còn đó, tức là các
em khóa sau, các em sẽ vật lộn vất vả, chiến đấu với học và thi, nhưng thực
chất thì trường đại học đâu có đập đi, vào đại học, các em lại vẫn bắt đầu một
hệ giáo dục cũ. Thế nên mọi thứ vẫn sẽ chỉ là bắt đầu, thế hệ học sinh cuối
cấp, các em có chắc là sẽ chọn đúng trường? Có chắc là sẽ đi được theo thế
mạnh? Có chắc là hiểu bản thân và xác định được ước mơ? Hay chăng lại là vòng
luẩn quẩn xả hơi sau khi thi đại học, rồi bắt đầu vòng lặp lãng phí thời gian
và loanh quanh trong “cái bẫy” của tâm trí khi không xác định được một con
đường?
Con người ta, họ đặt
ra những con đường mặc định, rồi đặt niềm tin vào đó. Nhưng thật kỳ lạ, họ vịn
vào đó mà bắt thế hệ sau cũng phải tin theo và đi theo. Chẳng hạn phải được
điểm cao trong học tập, bằng mọi giá phải đỗ vào đại học. Thế nhưng, điều quan
trọng trong quãng thời gian của tuổi trẻ là việc chúng ta sống như thế nào, chứ
đâu phải là chúng ta sẽ trở thành ai. Trước khi xây dựng năng lực làm việc,
phải học cách xây dựng năng lực làm người, tức nền tảng văn hóa. Bởi vì nếu
không có nền tảng văn hóa, khác gì ngôi nhà không có móng, lên cao sớm muộn rồi
cũng đổ vỡ.
Hiện nay, bi kịch lớn
nhất của đàn ông Việt là không biết và không thể làm người bình thường. Ôi sao
mà lạ đến thế! Người đàn ông bình thường, sống thanh thản, sống trong sạch,
biết yêu thương, đơn giản thế thôi mà! Còn có tài nhưng thiếu đi cái văn hóa,
ôi, cứ chạy theo cái ham muốn của tham, sân, si, lúc lên cao rồi thì ngã cũng
đau lắm. Có nhất thiết cứ phải quyền lực cao sang, nhà lầu xe hơi là đẳng cấp
đâu. Chính những cái nho nhỏ như dành thời gian nấu bữa tối cho gia đình, ấy
mới là bản lĩnh. Vậy nên nhìn những người bình thường, rất đời, rất người, vô
tư lự, họ hăng say và đón nhận cái hạnh phúc của lao động, nỗ lực cho đi, ấy
thế mà hạnh phúc vô cùng.
Quyền lực là thứ trao
tay, đến rồi đi. Nhan sắc là thứ chóng tàn, chả mấy chốc cũng mất, và cuộc đời
cũng hợp rồi tan, không tránh khỏi quy luật tự nhiên. Làm sao con người tìm
được cái hạnh phúc và bình an nơi tâm hồn, đó mới là đỉnh cao của hạnh phúc. Để
có được điều ấy, có lẽ chỉ có một cách là sống cuộc sống của riêng mình.
Tại sao lại phải sống
vào cái định kiến và niềm tin của xã hội, tại sao lại phải lựa chọn những lựa
chọn vốn dĩ là của xã hội, không phải của mình. Tại sao lại phải chạy theo cuộc
đua leo cây của loài khỉ, loài vượn trong khi mình là cá? Tại sao không lắng
nghe tiếng nói của trái tim? Tại sao không dành thời gian mỗi ngày để làm những
điều thực sự ý nghĩa và tìm ra một lối đi riêng cho bản thân mình.
Tư duy lớn, nghĩ việc
lớn, nhưng không có nghĩa là không làm những việc nhỏ. Ước mơ xa, chặng đường
dài không có nghĩa là không làm tốt những điều ngay trong hiện tại. Nhưng dẫu
gì thì cũng vẫn phải là sống cuộc sống của riêng bản thân mình, phải tìm một
lối đi riêng để khẳng định bản thân mình.
“Mỗi một phút bạn đau
khổ là bạn đang đánh mất đi 60 giây để sống hạnh phúc. Mỗi giờ mỗi phút mỗi
giây dù làm gì, bạn cũng đều có một sự lựa chọn.”
Đăng nhận xét