TIN MỚI

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

THÚY KIỀU

Nhân vật văn học là con người. Để hiểu nhân vật văn học không thể không tìm hiểu quan niệm về con người của tác giả cũng như quan niệm của cả thời đại và sự chi phối của quan niệm ấy đến việc khắc họa tính cách nhân vật.
Hình ảnh người phụ nữ tài hoa mệnh bạc là chủ đề trở đi trở lại nhiều lần. Ta đã nhận ra điều đó trong Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh ký, Bài ca người gảy đàn ở Long Thành.
Nhìn từ góc độ văn hóa chúng ta sẽ đánh giá vấn đề người phụ nữ tài sắc trên cả hai phương diện là thân và tâm.
Có nhiều biểu hiện của một quan niệm khá mới mẻ về thân xác của con người trong Truyện Kiều. Nguyễn Du có khuynh hướng đề cao thân xác, coi thân xác là một phạm trù giá trị. Ông luôn trân trọng thân xác của họ, trong sáng tác của mình ông chú trọng đến bản thân nỗi đau đớn, nhục nhã của việc thân xác con người bị giày xéo, chà đạp.
Đã là người ai cũng có thân, Nguyễn Du cảnh tỉnh sự bàng quan, vô cảm đáng sợ của toàn xã hội trước chuyện đánh đập, giày xéo thân xác. Tôn trọng con người trước hết phải tôn trọng thân xác của họ. Không thể nhân danh đạo đức, luật pháp để chà đạp lăng nhục con người.
Cuộc đời Kiều là chuỗi ngày đày đọa tấm thân. Ý thức về thân mình chính là ý thức về cái phần riêng tư nhất, thực tại nhất của con người Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót thân thấm thía nhất
“Rằng tôi bèo bọt chút thân
Thân lươn bao quản tấm đầu”.
Trong sáng tác của mình Nguyễn Du chịu ảnh hưởng tư tưởng đề cao vẻ đẹp thân xác con người, trước hết là của người phụ nữ đã được nêu từ Kim Vân Kiều truyện và trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân.Trong Truyện Kiều Nguyễn Du cực tả vẻ đẹp ngoại hình, nói đúng hơn là tả khuôn mặt của Thúy Vân và Thúy Kiều.
“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da."
Và “.Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh."
Cái đẹp trang nghiêm phúc hậu hồn nhiên của Thúy Vân báo hiệu cho ta biết một cuộc đời bình thản của người vợ hiền. Cái đẹp sắc sảo mặn mà mà tài hoa của Kiều báo hiệu một cuộc đời ê chề sau này của một thiếu nữ đa tình đa cảm.
Nguyễn Du không chỉ tả vẻ đẹp khuôn mặt, ông còn tả vẻ đẹp của thân thể Kiều nữa, tả Kiều tắm như một cái cớ để bộc lộ thân thể đẹp mê hồn của nàng.
"Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rũ bức trướng hồng tẫm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên."
Theo Xuân Diệu thì đây chính là bức tranh khỏa thân duy nhất trong văn học cổ điển Việt Nam . Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ thiếu nữ ngủ ngày nhưng thiếu nữ vẫn còn mặc yếm . Và dẫu “ yếm đào trễ xuống dưới nương long “ thì vẫn còn mảnh yếm che chưa thể gọi là khỏa thân được . Giải nhất độc nhất trao cho Nguyễn Du .Giữa cái chế độ phong kiến Á Đông đè xuống tinh thần thể xác con người lại giả dối che đậy lên hàng tạ quần áo thì Nguyễn Du đã giải thoát cho mọi người được chiêm ngưỡng thán phục cái tòa thiên nhiên tuyệt mỹ của tạo vật là thân thể lành đẹp của con người.
Không một chút dâm; không có một nửa sáng, nửa tối nào có thể khêu gợi chuyện sáng, mà một ánh sáng rõ ràng, mà ngọc mà ngà, mà trong mà trắng, lại rũ một bức trướng hồng trang trọng.
Một nhà nho một ông quan sống trong triều đại phong kiến đầy những lễ giáo khắt khe trói buộc thể xác tâm hồn con người mà dám phác họa bức chân dung phụ nữ khỏa thân tuyệt mỹ như vậy Nguyễn Du quả đúng "KHÔNG PHẢI DẠNG VỪA ĐÂU"


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng