Tôi thấy gần đây một số bài báo viết về Giáo dục cổ điển. Bài
gần đây giới thiệu về chương trình của Veritas Press, theo trường phái
Classical Education sử dụng phương pháp Trivium.
Hôm nay, tôi xin giới thiệu đến các bạn bài viết “ Giáo dục và
nền học cổ điển” của giáo sư Paul Langevin trên báo Độc lập, số 203, ngày 21
tháng 07 năm 1946. Sau đây là nội dung bài báo:
“ Bây giờ xét đến phương diện đoàn thể của giáo dục trong giai
đoạn trẻ em từ biệt gia đình để gia nhập học đường. Nhà trường dạy trẻ em tập sống đời sống xã hội và nhất là đời
sống dân chủ. Học đường thực là một “ xí nghiệp giáo dục” trong đó trẻ em chỉ
có thể tận hưởng mọi thuận lợi khi được nhà trường nâng đỡ và hướng dẫn cho.
Do đó mà sinh ra một ý niệm mới về học đường tổ chức theo nguyên tắc dân chủ,
trong đó trẻ em sống hệt như một công dân tương lai và đồng thời các đức tính
căn bản của một công dân cũng được rèn luyện, không phải do những bài học hay
những diễn văn mà chính do đời sống thực tế và kinh nghiệm tỷ như đức biết
trách nhiệm, tự ép mình vào kỷ luật, hy sinh cho ích chung, đồng lao cộng tác
và trong học đường như vậy, người ta đem áp dụng những cuộc thí nghiệm “ tự cai
quản lấy nhau” trong đời sống học sinh hàng ngày nữa.
Nên nhớ rằng cách luyện đời sống xã hội như vậy rất không thiên
về tôn giáo, không nêu ra một chủ ý luận nào mà cũng không cần phải dùng đến
một môn thần bí học có tính cách siêu việt hay tôn giáo cả. Kinh nghiệm chứng
minh rằng khi chính các trẻ em đảm nhận lấy những công việc ở học đường cũng đủ
gây cho chúng mối vui thích hoàn toàn rồi. Vậy là nhà trường vẫn có thể làm
tròn nhiệm vụ giáo huấn về luân lý về bổn phận làm dân mà không đụng chạm đến
chính trị và tôn giáo. Còn chính gia đình mới có nhiệm vụ hướng dẫn các trẻ em
vào tôn giáo hay một đảng nào.
Đứng về phương diện rèn đức tính và giáo huấn ta cũng nên dùng
chính sách xen lẫn trong đời sống học sinh, khi thì cho trẻ em làm riêng một
công việc, khi thì cho chúng làm việc tập đoàn, hay là công việc trong các
nhóm, cốt để tạo lấy cá tính riêng của từng trẻ, mà đồng thời trẻ em nào cũng
có thể khi cần đến hợp tác với công việc chung để theo một mục đích của đoàn
thể.
Rồi sự chung đụng với xã hội mỗi ngày mỗi mở rộng lúc ấy người
ta mới thực hướng về giáo dục và các ngành học cổ điển mà mục đích là làm sao
cho mọi trẻ em đều hiểu một cách rõ ràng sự cố gắng của loài người về quá khứ
cũng như hiện tại về đủ mọi phương diện, tùy theo sự hiểu biết của các em. Một
người có học thức phải biết rõ thời đại mình là thời đại nào và biết rõ địa vị
mình trong sự cố gắng chung của nhân loại.
Phương châm của giáo dục là nối liền mọi nhận thức với những
nguồn gốc vì đâu mà nhân loại đã tìm ra những nhận thức đó nghĩa là làm cho
chúng mất hết tính cách trừu tượng và chuyên trị, để cho mọi người thấy những
nhận thức đó là những hiện tượng nhân loại làm thỏa mãn các nhu yếu của loài
người.
Muốn thế, khi trẻ em đã được chung đụng nhiều với xã hội và
thiên nhiên, người ta sẽ chú trọng đặc biệt đến môn dạy văn minh sử học, môn
học này sẽ dùng làm bức phông để dùng nó mà đối chiếu luôn các ngành học khác
cùng là để đặt một mối tương quan sâu xa mật thiết giữa các ngành học này.
Trong ngành khoa học, ta sẽ phải dành một địa vị đặc biệt cho môn dạy lịch sử
các lý thuyết, tư tưởng, một địa vị quan hệ không kém gì môn dạy quan sát sự vật.”
Bài viết này có 3 kỳ nhưng tôi chỉ tìm được số này còn thiếu 2
bài nữa. Nếu bạn nào có thì share cho tui rất cảm ơn!
Tôi muốn các bạn nhìn thấy sự tiến bộ về quan điểm giáo dục của
Việt Nam trong năm 1946. Tôi vẫn luôn nhớ một chân lý
"MỘT DÂN TỘC DỐT LÀ MỘT DÂN TỘC YẾU"
Đăng nhận xét