TIN MỚI

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

TÁM - BUÔN DƯA

Người Việt mình sởi lởi, thích đưa chuyện, mua chuyện, tán chuyện... nên các hãng điện thoại di động mới phát tài như vậy. Bán máy nhiều mà thẻ cũng nhiều. Trên đất nước ta mỗi phút có triệu triệu cuộc “buôn dưa lê” dài sông rộng biển. Càng thất nghiệp, rỗi rãi, rảnh rang, nhàn tản... gọi là “vô công rồi nghề” càng ham chuyện. Từ dân thất học đến thức giả đều “buôn dưa lê”. Hàng cao đạo nhất ưa “chữ nhàn” và “cao đàm khoát luận”. Đối thoại từ thượng cổ đã là phương pháp tư duy hiệu quả nhất.

Chả trách gì dân ta được liệt vào loại thông minh, nhanh trí! Nếu phân tích, nghiên cứu các cuộc “Ngư tiều vấn đáp” của các tầng lớp cao thấp khác nhau, tôi cá sẽ tìm ra một mẫu số chung truyền thống dân tộc trong phương pháp tư duy của người Việt. Ấy là “dây cà ra dây muống”, “đang chuyện nọ xọ chuyện kia” rồi cuối cùng “tổng kết”, “gút lại” là cười xòa, cười trừ, “hòa cả làng”!

Thí dụ điển hình như các bài tổng kết các hội nghị - hội thảo thường hỗn hợp đủ mọi ý kiến đến mức không ai theo dõi nổi và kết luận thì chung chung đến mức mọi người đều ngủ.

Vô duyên và hàm lượng thông tin suýt bằng không là các vị MC và BLV thể thao. Cô MC đi từ chuyện đời tư của nhân vật (một nữ khoa học gia mới có công trình nông học được ứng dụng tốt) tới quan niệm về yêu đương cách nay 40 niên, sang nữ quyền hiện tại, tạt qua bà Hồ Xuân Hương, trở về nước - phân - cần - giống, lạc vào ca dao “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”, rồi khoa học gia hiện đại không khô khan nên cũng quan tâm tới thời trang và nhạc trẻ... v.v và v.v...

BLV thể thao có giọng hụt hơi hét lên “không vàà... oo!” dù ai cũng thấy bóng không vào, sau đó là lý lịch câu lạc bộ, tính cách dân tộc của cầu thủ, nét văn hoá đặc trưng của người Italia, Đức, Anh, Pháp và Serbia... Sau nữa là cảm xúc thi ca: Bóng là quả trái phá, là mũi tên, là cánh én, là cả bài hát ru để ru ngủ đối phương nữa... rồi bừng tỉnh trở lại với giọng nấc ậc “khôô..g vàà..oo!” và kết luận đầy minh triết: “Bóng đá là như thế”. Nghe phát điên nên không ít người phải tắt tiếng để không bị quấy rối. Tư duy giải trí tính gì!

Đây là một tham luận khoa học của một PGS hẳn hoi tại một hội nghị khoa học to về văn hoá đô thị ngàn năm, có thể đọc trong kỷ yếu khoa học: Tác giả trích thơ Nguyễn Trãi và cô bán chiếu gon ở Hồ Tây, trích “Long thành cầm giả ca” kể chuyện ái tình cùng “Văn tế thập loại chúng sinh” đầy nhân tình của Nguyễn Du.
Rồi Nguyễn Công Trứ với ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”, tiếp nối là nhịp chày Yên Thái nói về công nghệ của đô thị cùng Tiếng chuông Thiên Mụ chứng tỏ Phật giáo hoạch phát ở đất kinh kỳ, rồi sau nữa là thần Siêu làm Tháp Bút “tả thanh thiên” bên hồ Gươm cùng Văn miếu với Chu Văn An chứng tỏ đạo Khổng cũng hoạch phát chả kém. Nếu Nho học là cương là dương thì Phật giáo nhu là âm. Thủ đô đủ cả âm dương mà tài hơn nữa là trong âm có dương và ngược lại cơ! Hỗn-tổng lại là: Hậu sinh chúng ta phải cố mà giữ cho được cái truyền thống trong cái nọ có cái kia ấy của cha ông!

Quá cao siêu. Sáng nay ra chợ em nghe được đoạn đối thoại như rứa của hai bà nội trợ: “Đừng có mua giá đỗ. Có khuẩn e-coli đấy. - Lo hão, đấy là giá đỗ bên Đức mới có coli. Mà Đức nó giỏi khoa học công nghệ lắm nhé! Xe ôtô BMW bền phải biết. Máy móc gì cũng xuất khẩu nhất thế giới. Người mình sang đấy cũng giỏi lây. Có anh chàng con nuôi gốc Việt làm bộ trưởng rồi phó thủ tướng thì phải. Người mình cũng giỏi lắm chứ nhưng cứ phải ra nước ngoài mới thành đạt vì giáo dục đào tạo của họ tốt”. Tôi đang khổ về chuyện xin vào lớp 1 cho cháu ngoại đây. Thằng Ben đó hả, bà chị cẩn thận nó hơi quá ký rồi đó nghe. Béo phì là ảnh hưởng đến chỉ số thông minh IQ lắm...
Lao động


Đăng nhận xét

 
Copyright © 2016 Braintrust Sức mạnh cộng đồng